Qua thời gian tìm hiểu về loài chim trĩ, anh Thạch Ngọc Khánh, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) quyết định phát triển nuôi chim trĩ xanh, trĩ đỏ, đem lại nguồn thu nhập ổn định với hàng chục triệu đồng trên tháng.
Trang trại nuôi chim trĩ của anh Ngọc Khánh chỉ mới phát triển khoảng 2 năm nhưng số lượng chim trĩ giống được xuất bán ra thị trường hàng chục nghìn con. Theo anh Khánh, để đảm bảo người từng mua chim trĩ tại trại giống của gia đình, kể cả người mua bên ngoài, anh hỗ trợ tiêu thụ cho tất cả trứng, chim trĩ con, chim trĩ thịt nếu người nuôi muốn bán ra thị trường.
Anh Thạch Ngọc Khánh, ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bên trang trại nuôi chim trĩ của gia đình. Ảnh: Thúy Liễu
Anh Khánh bộc bạch: “Cách đây 2 năm, thấy có hộ nuôi chim trĩ rất thành công, thế là tôi tìm tòi học hỏi và quyết định mua 20 con chim trĩ xanh, đỏ, trong đó 5 con trống về nuôi thử nghiệm, xem chim trĩ có phù hợp khí hậu tại địa phương không. Sau 4 tháng nuôi, đàn chim trĩ đã cho trứng, mỗi con chim đẻ 1 trứng/ngày và cho trứng liên tục trong 10 tháng. Từ số trứng chim trĩ đẻ, tôi dồn lại và cho ấp 1 lần/tuần, quy trình cứ thế lặp lại liên tục. Trứng ấp khoảng 28 ngày nở ra con non và cứ thế số lượng trứng được chim trĩ cùng con non ấp nở tăng dần. Qua thời gian khoảng 6 tháng nuôi, đã bán được con giống, để tăng thu nhập, tôi gầy giống đàn chim trĩ sinh sản dần qua từng tháng. Đến thời điểm hiện tại, đàn chim trĩ mái là 150 con, cho trứng mỗi ngày. Với 150 con mái sinh sản, khoảng 1 tuần thu về 600 trứng, sẽ cho vào lò ấp, cứ xoay vòng như thế mỗi tháng thu về hơn 2.000 con chim trĩ non, chim non qua 10 ngày nuôi dưỡng là xuất bán được, giá bán 35.000 đồng – 40.000 đồng/con, nếu số lượng chim non không bán hết sẽ nuôi dưỡng thành chim trĩ hậu bị bán có giá tốt hơn”.
Theo anh Khánh, ngoài bán chim trĩ giống, anh còn bán trứng chim trĩ, trứng chim trĩ ấp nở con. Bình quân 1 tháng, trang trại xuất bán tầm 500 trứng chim trĩ, 1.300 chim trĩ giống và 30 bộ chim trĩ hậu bị (150 con), giá bán 1 bộ chim trĩ (1 trống, 4 mái), có giá 1,3 triệu đồng (chim trĩ 5 tháng) và 1,6 triệu đồng (chim trĩ 8 tháng). Như vậy, số tiền thu về thông qua bán chim trĩ 40 triệu – 50 triệu đồng/tháng.
Anh Khánh chia sẻ thêm: “Để chim trĩ phát triển tốt, trước khi nuôi, cần phải xây dựng chuồng nuôi chắc chắn, dưới nền chuồng lót đệm sinh học, nhằm đảm bảo chuồng nuôi sạch, mặc dù phân chim trĩ không gây mùi hôi như các loại gia cầm khác nhưng vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ để tạo không khí tốt nhất cho chim trĩ phát triển. Chim trĩ có 2 loại, loại 5 tháng tuổi, trọng lượng từ 1,1 – 1,2 kg (mái) và 8 tháng tuổi trọng lượng từ 1,3 – 1,4 kg (mái), để thu lại thành quả tốt nhất khi nuôi chim trĩ, tùy người nuôi lựa chọn loại chim trĩ nuôi 5 hay 8 tháng. Tuy nhiên, loại chim trĩ 8 tháng đẻ trứng nhiều, màu sắc chim đẹp và kích cỡ to hơn so với chim trĩ 5 tháng. Bên cạnh đó, cần tách riêng chim trĩ theo từng bộ (5 con/bộ, 1 trống 4 mái), nhốt riêng một chuồng nuôi và khi chúng đẻ trứng, gom trứng lại ấp nở bằng máy, khi con non nở không cho vào chuồng nuôi cùng chim trĩ bố mẹ, mà nuôi nhốt ở chuồng riêng, kể cả chim trĩ hậu bị cũng nuôi riêng một chuồng".
Theo anh Khánh, phần lớn chim trĩ ăn các loại rau có sẵn ngoài tự nhiên và loại rau tốt nhất dành cho chim trĩ là rau lang, lục bình, bồ ngót, cây chuối… Đối với chim giai đoạn đẻ trứng có thể cho ăn thêm thức ăn dạng viên, nhằm bổ sung thêm chất đạm cho chim, với chim trĩ trưởng thành, trong 1 ngày chỉ cần bỏ một lượng rau bất kỳ nêu trên vào chuồng là đủ lượng thức ăn cho chim. Đồng thời, trong 1 tháng đầu chim trĩ còn non, cần tiêm đủ các loại vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh cúm, tả, thương hàn… bổ sung thêm vitamin C 2 lần/tuần và chim trĩ trước khi bắt đầu vào giai đoạn sinh sản, cần cung cấp vitamin C 1 tháng/lần, tiêm thêm 1 mũi thuốc tăng cường sức đề kháng cho chim trĩ.
Qua mô hình nuôi chim trĩ tại trang trại anh Khánh cho thấy rằng, đây là mô hình nuôi rất thành công, đem lại thu nhập tốt tại hộ, đầu ra trứng và con chim trĩ tốt. Do đó, hộ dân có nhu cầu, có thể tìm hiểu thêm mô hình nuôi tại trang trại nuôi chim trĩ của anh Khánh, để được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và hỗ trợ đầu ra sau thu hoạch.
Thúy Liễu
Nguồn: Báo Sóc Trăng