Nuôi chim trĩ cho thu nhập ổn định

Gần 2 năm, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 34 tuổi, ngụ ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) gắn bó công việc nuôi chim trĩ giúp phát triển kinh tế gia đình (thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng) bên cạnh công tác tại Trường THCS Tân Phú Tây (nay đổi tên thành Trường THCS Lê Thị Tiến) thuộc xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc.

Hơn 12 năm, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết đảm nhiệm công tác y tế Trường THCS Lê Thị Tiến. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, cuối năm 2021, chị Tuyết mua 200 trứng chim trĩ (đỏ, xanh) về ấp bằng máy và nở được 150 con giống (đạt 75%). Sau 8 tháng nuôi, chim trĩ mái sinh sản có thể bán trứng và chim trĩ trống bán thịt. Chị quyết tâm nâng đàn vật nuôi cho gia đình. Khi chim trĩ trưởng thành, chị Tuyết phân loại màu sắc (đỏ hay xanh) nuôi theo chuồng nuôi riêng biệt để tránh thiệt hại vật nuôi vì trường hợp đấu đá lẫn nhau do “kỵ” màu sắc.

chim trĩ

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết chăm sóc và thu hoạch trứng chim trĩ.

Hiện tại, chị Tuyết đang nuôi 800 con chim trĩ (700 con từ 1 – 5 tháng và 100 con đang sinh sản). Chị thu hoạch từ 80 – 100 trứng/ngày. Giá bán 10 ngàn đồng/trứng đối với trường hợp khách hàng mua về ấp và 7 ngàn đồng/trứng phục vụ ăn uống, lợi nhuận 500 ngàn đồng/ngày từ việc thu hoạch trứng. Từ 2 – 3 tháng, chị Tuyết triển khai bán thịt thương phẩm chim trĩ 1 đợt, trọng lượng từ 1,2 – 1,5kg/con, giá bán 200 ngàn đồng/con. Trứng và thịt thương phẩm chim trĩ sẽ được thương lái (nhà hàng, quán nhậu, mua về bán sỉ và lẻ, trại nuôi chim trĩ đỏ mua về ấp thành con giống bán) đặt hàng hay khách hàng mua lẻ…

“Bên cạnh công tác y tế tại Trường THCS Lê Thị Tiến, tôi dành thời gian ngoài giờ hành chính chăm sóc chim trĩ, tạo thu nhập cho gia đình. Hướng tới, bản thân tiếp tục nuôi chim trĩ để cải thiện tốt kinh tế cho gia đình. Đồng thời, giới thiệu mô hình này cho đồng nghiệp và mọi người xung quanh để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”, chị Tuyết tâm sự.

Hiện tại, chị Tuyết đã đầu tư 2 chuồng chuyên biệt màu sắc vật nuôi, 1 chuồng phục vụ quá trình sinh sản. Chuồng chuyên biệt được thiết kế cột bê-tông và rào lưới (cao hơn 1,5m) xung quanh, với diện tích (ngang 5m và dài 24m). Chuồng phục vụ quá trình sinh sản có diện tích rộng hơn 2 chuồng chuyên biệt, lưới bao quanh chuồng. Trong cả 2 loại chuồng, chị Tuyết đều trang trí những nhánh cây khô để chim trĩ bay nhảy và leo trèo hiệu quả.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *