Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia cầm tăng cao vào dịp cuối năm, nhiều nông dân trong tỉnh Kiên Giang đầu tư chăn nuôi gà thịt bán vào dịp tết, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình.
Đón thị trường Tết Nguyên đán năm 2023, anh Nguyễn Tấn Ngoan, ngụ ấp Kênh 1B, xã Đông Yên, huyện An Biên nuôi 150 con gà nòi, 50 con vịt xiêm. Với giá bán dao động 100.000-120.000 đồng/kg gà thịt, 70.000 đồng/kg vịt, anh Ngoan dự kiến thu lãi gần 10 triệu đồng.
Bí quyết nuôi gà khỏe mạnh, ít hao hụt của anh Ngoan là làm chuồng trên mặt ao, phía dưới ao nuôi cá để xử lý chất thải không gây mùi hôi và lưu tồn mầm bệnh.
Anh Ngoan bắt đầu nuôi từ giữa tháng 9, trễ nhất là đầu tháng 10 âm lịch để gà xuất bán có trọng lượng từ 1,2 – 2 kg/con là đạt chuẩn. “Gà nuôi ăn lúa và cho vận động nên thịt chắc. Hiện nay, gà nòi vẫn được nhiều người lựa chọn bởi thịt chắc và dai ngon, chăm sóc tốt có thể xuất chuồng sau khoảng 3 tháng chăn thả”, anh Ngoan nói.
Anh Nguyễn Tấn Ngoan, ngụ ấp Kênh 1B, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) cho gà, vịt ăn.
Ghi nhận tại một số huyện, hiện số lượng gà phục vụ thị trường tết giảm mạnh do vừa trải qua đợt dịch bệnh giữa năm 2022 khiến người nuôi không kịp tái đàn. Nhiều nơi hộ chăn nuôi quyết định không tái đàn vì lo ngại dịch bệnh trở lại, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng. Một số người cho rằng khả năng cận tết gà nòi sẽ “sốt” giá do nguồn cung ít.
Những năm trước, bình quân mỗi mùa tết Nguyên đán, ông Trần Hoàng Sơn, ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng xuất bán 400 – 500 con gà nòi. Gà nòi chân vàng ông bán giá 100.000 đồng/kg, ra chợ bán gà cúng mùng 3 giá dao động 120.000 – 130.000 đồng/kg. Với mức giá này, bình quân ông Sơn thu lợi nhuận 15 – 20 triệu đồng mỗi dịp tết.
“Cách đây 3 tháng, gà bị dịch bệnh chết hàng loạt nên tôi và bà con không kịp tái đàn bán tết. Hiện gia đình chỉ còn 30 con gà mái bán con giống. Dịch bệnh khó lường nên nuôi mà phấp phỏng”, ông Sơn nói.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 5,1 triệu con; riêng đàn gà trên 3,5 triệu con, trong đó có 558.000 con được nuôi quy mô trang trại, còn lại nuôi nhỏ lẻ, tập trung nhiều ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao.
Để bảo vệ đàn gà khỏe mạnh, kỹ sư Nguyễn Văn Hoàng – Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang khuyến cáo: “Người chăn nuôi cần chủ động tiêm vaccine cho đàn gia cầm. Đối với những dịch bệnh thường xảy ra vào lúc thời tiết chuyển lạnh như hiện nay cần tiêm vaccine phòng bệnh Newcastle và cúm gia cầm, dịch tả. Ngoài ra, người nuôi cần thường xuyên tiêu độc, khử trùng, giữ ấm chuồng trại không để mưa tạt, gió lùa, vệ sinh chất thải, định kỳ phun thuốc khử trùng xung quanh chuồng trại, lối đi. Trong khẩu phẩn ăn, cần bổ sung vitamin giúp đàn gia cầm tăng cường sức đề kháng”.
Bài và ảnh: An Lâm
Nguồn: Báo Kiên Giang