Nông dân Hà Tĩnh “kích hoạt” phương án chống rét cho gia súc, gia cầm

Nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C, có nơi chỉ 8,5 độ C, những ngày qua, nông dân Hà Tĩnh đã chủ động “kích hoạt” phương án bảo vệ đàn vật nuôi nhằm ứng phó với thời tiết.

Gia đình anh Trương Văn Thắng ở thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm lớn với đàn bò 8 con, lợn hơn 50 con và hơn 1.500 con gà. Gần 1 tuần nay, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu nên anh Thắng đã chủ động che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn và các biện pháp phòng bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.

phương án chống rét cho gia cầm

Anh Trương Văn Thắng ở thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) thắp bóng điện sưởi ấm cho đàn gà.

Anh Trương Văn Thắng (thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Bình thường, bò, lợn, gà đều được tôi thả rông trong trang trại rộng hơn 7 ha. Tuy nhiên, mấy ngày nay thời tiết rét đậm nên tôi chủ động nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Xung quanh chuồng trại, tôi cũng mới che chắn bằng bạt và lưới; với đàn gà thì thắp đèn điện nhằm đảm bảo giữ ấm. Ngoài các thức ăn thô thông thường, tôi cũng bổ sung thêm các loại khoáng chất giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi”.

Toàn huyện Cẩm Xuyên hiện có hơn 4.000 con trâu, bò; trên 50.000 con lợn và hơn 1 triệu con gia cầm. Để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển và sinh trưởng tốt trong thời điểm này, ngành nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên đã phân công cán bộ chuyên môn đến từng xã đôn đốc, hướng dẫn các hộ áp dụng biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm như: củng cố chuồng trại chăn nuôi bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và phòng, chống đói, rét. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư để sưởi ấm cho vật nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra.

phương án chống rét cho gia súc

Người dân huyện Cẩm Xuyên chủ động chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu bò để chống đói những ngày giá rét.

So với các địa phương vùng đồng bằng, ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, thời tiết càng khắc nghiệt hơn. Những ngày qua, nhiệt độ liên tục duy trì thấp, phổ biến từ 11 – 13 độ C.

Hương Khê là địa phương có số lượng vật nuôi lớn với tổng đàn trâu bò gần 36.000 con, đàn hươu hơn 1.100 con. Để chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, huyện Hương Khê đã chỉ đạo các địa phương, phòng, ngành chức năng hướng dẫn người dân triển khai các giải pháp. Nhờ tuyên truyền rộng rãi, người dân đã chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Ông Trần Hữu Khẩn ở thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ (Hương Khê) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 15 con bò. Hiện nay, đàn bò đã được nuôi nhốt hoàn toàn thay vì thả rông trên rừng như trước đây. Qua theo dõi thời tiết, chúng tôi đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn thô, xanh như: rơm, cây ngô, cỏ voi. Trong những ngày giá rét, đàn bò được bổ sung thêm thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô trộn với thân cây chuối và muối để tăng sức đề kháng. Trước đó, gia đình cũng đã kịp che chắn chuồng trại để đàn bò tránh bị rét, gió lùa. Nhờ vậy, đàn bò của chúng tôi cũng như các hộ khác trong thôn đang được chăm sóc, bảo vệ tốt trước thời tiết giá rét”.

phương án chống rét cho gia súc

Lãnh đạo huyện Hương Khê đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho vật nuôi trên địa bàn.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu, bò ước đạt 240.000 con; đàn lợn 400.000 con và 10 triệu con gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, ngành chuyên môn đã chủ động ban hành các công điện về việc tăng cường phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Theo đó, hướng dẫn cụ thể các giải pháp phòng chống rét đối với từng đối tượng con nuôi, cách che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn… Đặc biệt, khuyến cáo các phương án phòng chống rét cho những vật nuôi thường hay chăn thả như trâu, bò…

phương án chống rét cho gia súc

Người dân xã Thọ Điền (Vũ Quang) lo giữ ấm cho đàn vật nuôi. Ảnh VC

Để tránh tâm lý chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đơn vị đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp chống rét cho đàn vật nuôi. Theo đó, người dân cần chủ động đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng, không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 13 độ C; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.

Ông Trần Hùng

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh

Trâm – Chiến

Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *