Giá thức ăn chăn nuôi tăng 8 lần liên tiếp từ cuối năm 2020 tới nay với tổng mức tăng khoảng 60.000 – 70.000 đồng/bao 25 kg. Điều này khiến người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó khăn và dè chừng trong việc tăng đàn.
Giá thức ăn chăn nuôi ở Hà Tĩnh tăng 8 lần liên tiếp từ cuối năm 2020 tới nay.
Từ tháng 11/2020 tới nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần, mỗi lần tăng 300 – 400 đồng/kg. Tính ra, mỗi bao thức ăn 25 kg đã tăng đến 60.000 – 70.000 đồng trong vòng gần 9 tháng qua. Theo đó, tùy thuộc vào hãng, đơn vị sản xuất khác nhau, mức giá thức ăn chăn nuôi tổng hợp các loại dành cho lợn nái, lợn con, gà, vịt… hiện dao động từ 300.000 – 360.000 đồng/bao 25 kg.
Bà Trần Thị Hạnh – chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Hạnh Hòa (thông Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Lần tăng giá gần đây nhất là đợt đầu tháng 7/2021. Tính từ cuối năm 2020 tới nay, mỗi bao thức ăn 25 kg đã tăng đến 60.000 – 70.000 đồng. Giá thức ăn tăng quá cao, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Đầu ra gặp khó nên người dân giảm đàn nhiều. Do vậy, lượng thức ăn chăn nuôi cửa hàng bán ra giảm 50 – 60% so với trước đây”.
Theo bà Hạnh và một số chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là do nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng trong suốt thời gian qua.
Hiện nay, mỗi bao thức ăn chăn nuôi tổng hợp loại 25 kg có giá 300.000 – 360.000 đồng.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục “leo thang” đã khiến người chăn nuôi Hà Tĩnh gặp khó và dè chừng trong việc đầu tư, tăng đàn.
Anh Đặng Thái Mạnh (thôn Trung Văn, xã Thạch Văn, Thạch Hà) cho biết: “Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ nuôi gà và lợn. Tuy nhiên, hơn nửa năm nay, giá cám cho gà và lợn hầu như tháng nào cũng tăng khoảng 7.000 đồng/bao 25 kg. Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 1.500 con gà và 20 con lợn nên phải mua lượng cám khá nhiều. Giá cám tăng “chóng mặt”, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Vì vậy, thiệt hại từ chăn nuôi rất lớn”.
Giá lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn tăng khiến người chăn nuôi chịu thiệt hại lớn.
Cũng vì giá thức ăn chăn nuôi tăng làm tăng chi phí đầu vào, lợi nhuận giảm nên gia đình ông Trần Thế Đính (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) giảm ½ đàn lợn so với trước đây. Gia đình ông chăn nuôi hàng chục năm nhưng chưa khi nào thấy giá thức ăn tăng mạnh như hiện nay.
Không chỉ giá thức ăn tăng là gánh nặng đối với người nông dân Hà Tĩnh, hơn thế, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước đó cũng khiến người chăn nuôi chưa thể hồi vốn nên càng thêm khó khăn.
Chưa bao giờ anh Mai Xuân Quang (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) thấy giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay.
Anh Mai Xuân Quang (thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, Can Lộc) ngậm ngùi: “Trong năm 2020, mỗi bao cám tổng hợp tôi mua giá 280.000 đồng, sau đó tăng dần và đến nay là 350.000 đồng. Tôi nuôi 7 con trâu, 5 con bò, riêng tiền cám mỗi ngày khoảng 30.000 đồng (trước đây ở mức 20.000 đồng). Càng chật vật hơn khi giai đoạn xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên trâu bò nên gia đình tôi thiệt hại khoảng 60 triệu đồng".
Anh Quang cho biết thêm, vừa rồi gia đình anh bán 2 con bò nặng 1 tấn với giá 90.000 đồng/kg, thu về 90 triệu đồng; trừ các chi phí, lợi nhuận cũng chẳng còn đáng kể. Hiện còn 10 ngăn chuồng trống, anh muốn mua thêm bò về nuôi nhưng vốn ban đầu và chi phí chăn nuôi cao nên cũng đang phải đóng chuồng.
Giá thức ăn tăng “chóng mặt” trở thành gánh nặng đối với người chăn nuôi.
Đối diện với nhiều khó khăn, chi phí đầu vào quá cao khiến nhiều hộ dân không trụ nổi nên đành “bán tháo” sản phẩm chăn nuôi. Chị Lê Thị Hồng – một thương lái buôn gà ở chợ Nghèn (Can Lộc) cho hay: “Đợt này, ngoài bán gà thịt thì nhiều nông dân bán gà loại vừa cho những người có nhu cầu nuôi ngắn ngày để làm thực phẩm cho gia đình. Theo đó, gà nuôi non tháng, nặng tầm 1 – 1,5 kg/con được bán rất nhiều. Người tiêu dùng sẽ mua về nuôi thêm một thời gian để làm thịt”.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn trong chi phí sản xuất. Bởi vậy, giá thức ăn liên tục tăng khiến chi phí sản xuất đầu vào bị “đội” lên, từ đó làm giảm lợi nhuận chăn nuôi. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi lo lắng, dè chừng, ngại đầu tư, ảnh hưởng đến việc ổn định hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Loan Phương
Nguồn: Báo Hà Tĩnh