“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, câu tục ngữ nói về sự vất vả, siêng năng của những người trồng dâu, nuôi tằm. Và, ở một thôn nhỏ, những người phụ nữ cũng đang giúp nhau làm giàu, giảm sự vất vả của nghề “ăn cơm đứng” bởi trồng dâu, nuôi tằm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hải, thôn Quế Dương, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang nuôi gần hai hộp tằm. Chị Hải cho biết, với sáu sào dâu, mỗi tháng chị nuôi xấp xỉ 3,5 hộp tằm. “Nuôi tằm nhiều như thế nhưng công việc không quá vất vả vì chúng tôi đã ứng dụng kỹ thuật mới như nuôi tằm trên giàn sắt, trồng dâu cao sản lá to, năng suất cao. Và nhất là, chị em nuôi tằm thôn Quế Dương được hỗ trợ rất nhiều từ tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm của phụ nữ thôn. Thật sự, nhờ có chị em hỗ trợ lẫn nhau, việc nuôi tằm của thôn Quế Dương nhàn hơn rất nhiều” – chị Hải tâm sự.
Chị Thắm đang xem xét lứa tằm ngủ 4 của chị Hải
Theo chị Nguyễn Thị Hải, nuôi tằm cần chú trọng ở chỗ phải hái dâu, giai đoạn tằm chín, gặp tằm lên né cần người phụ giúp. Nhưng với chị em Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương, vào những giai đoạn cần người, nhiều việc, chị em tập trung lại, cùng giúp sức hoàn thành công việc cho một gia đình. Hầu như mỗi ngày, chị em đều tập trung tại nhà của một gia đình, cùng giúp nhặt tằm lên né, cho công việc nhanh chóng hoàn thiện. Hôm nay nhà này, ngày mai lại tới nhà khác, mọi công việc trồng dâu, nuôi tằm đều được chị em đổi công, giúp nhau làm nhanh, làm gọn.
Chị Nguyễn Thị Thắm, thành viên Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn rất hào hứng, tự hào về hoạt động tập thể, hỗ trợ lẫn nhau của tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Chị Thắm bảo, nuôi tằm gần như phải có người ở nhà suốt ngày, hái lá cho ăn. Vì vậy, các cụ mới truyền lại “nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý là phải thường xuyên quan tâm, chú ý tới nong tằm. Thế nhưng, với chị em thôn Quế Dương, dẫu gia đình có việc, cần đi vắng vài ba ngày vẫn không lo lắng cho nong tằm. Bởi nếu một chị em bận việc, phải đi vắng, những chị em lân cận trong hội sẽ tới, giúp đỡ hái dâu, cho tằm ăn, lên né giúp cho tằm nếu đúng giai đoạn tằm chín. Vì vậy, chị em thực sự yên tâm khi xuống một vài hộp tằm. “Nhà ai đi vắng, chỉ cần nhắn là mấy chị em xung quanh sang giúp ngay. Hái dâu, cho tằm ăn, nhặt tằm chín…, chị em hộ nhau làm ào một chút là xong”, chị Nguyễn Thị Thắm tự hào chia sẻ.
Không chỉ vần công, đổi công giúp nhau chăm sóc tằm, những người phụ nữ thôn Quế Dương còn gắn bó chặt chẽ, giúp nhau chọn được nhà cung cấp tằm con uy tín, chia bớt giống, chỉ nhau kĩ thuật… Chị Thắm cho biết, cũng từ nhu cầu thực tế về một tổ hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chị em đã chủ động thành lập Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương từ cuối năm 2021. Tổ hợp tác có 16 hộ, với trên 5 ha dâu. Sau gần ba năm hoạt động, nhận thấy hiệu quả từ hoạt động của tổ, năm 2023, chị em đã được vay 600 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã được đưa tới tay 10 chị em, góp phần hỗ trợ chị em mua thêm nong, né, máy bóc kén… Cả tổ 16 chị em đều làm ăn rất tốt, 16 hộ đều thành công, thu nhập ổn định từ con tằm, chị Nguyễn Thị Thắm rất tự hào. Chị cũng tự hào vì sự đoàn kết gắn bó của chị em trong tổ. Chính từ sự đoàn kết, gắn bó này, việc nuôi tằm của những người phụ nữ thôn Quế Dương đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Với năng suất ổn định 60 kg/hộp và giá kén cao, trung bình mỗi thành viên của tổ thu được từ 25 – 30 triệu đồng/tháng từ trồng dâu, nuôi tằm. Đây là nguồn thu không nhỏ trên đất Lâm Hà.
Bà Tạ Thị Bích Thủy – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà đánh giá, Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương là một tổ hợp tác thành công nổi bật. Tất cả các chị em đều thành công, hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả, hoạt động vần công, đổi công hết sức tích cực. Theo bà Thủy, hiện tại toàn xã Hoài Đức có 13 thôn, trong đó có bốn tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm đều thành công. Và, Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm thôn Quế Dương là một điển hình để nhân rộng ra những tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm khác. Mô hình liên kết hộ, cùng đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành hướng phát triển bền vững của những người phụ nữ trồng dâu, nuôi tằm trên vùng đất mới Lâm Hà.
Diệp Quỳnh