Nỗi lo thiếu cán bộ thú y xã

Cán bộ thú y cấp xã được ví như mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương hiện nay, việc thu hút người tham gia vào công việc này đang gặp khó. Nỗi lo thiếu cán bộ thú y cấp xã thường trực, khiến việc quản lý, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi từ cấp cơ sở gặp khó.

Nhiều xã thiếu cán bộ thú y

Hàm Yên hiện có 2 xã không có cán bộ thú y là Thành Long và Bạch Xa. Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thời điểm tiêm phòng, hay xã có phát sinh dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ phải cử cán bộ trung tâm xuống hỗ trợ.

Chủ tịch UBND xã Thành Long Nguyễn Thị Tám cho biết, trước đây xã vẫn có một cán bộ thú y thực hiện các công việc chuyên môn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi phụ cấp từ công việc này tương đối thấp nên từ đầu năm 2021, cán bộ thú y này đã xin nghỉ. Thành Long trống vị trí cán bộ thú y xã từ hơn một năm nay. 1.300 con trâu, hơn 100 con bò, 2.000 con lợn và hơn 50 nghìn con gia cầm, cứ đến vụ tiêm phòng vắc xin lại phải chờ cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đến hỗ trợ.

Theo bà Tám, nếu không phát sinh dịch bệnh, thì mọi việc sẽ đơn giản. Nhưng khi phát sinh dịch bệnh, thì việc bị động này sẽ không giúp xã đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Hiện, Thành Long giao cán bộ xã phụ trách nông lâm nghiệp và cán bộ khuyến nông phụ trách xã hỗ trợ giám sát đàn vật nuôi, nhưng vì phải kiêm nhiệm, nên việc sát sao sẽ kém hơn so với trước đây. Hơn 1 năm nay, UBND xã Thành Long cũng đã liên tục tìm người “ứng cử” vào vị trí này, mặc dù xã có nhiều người học Trung cấp thú y, nhưng không ai ứng tuyển.

Không chỉ ở Hàm Yên, tình trạng kiêm nhiệm, thiếu cán bộ thú y cấp xã đang diễn ra tại nhiều địa phương. Bà Đặng Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn không khỏi lo lắng, khi số lượng cán bộ thú y cấp xã đang ngày càng… teo lại. Theo bà Hoa, hiện tất cả các xã, thị trấn của Yên Sơn vẫn có cán bộ thú y, nhưng hầu hết là kiêm nhiệm. Kiêm nhiệm, nghĩa là làm nhiều việc một lúc, điều này khiến ưu tiên cho công việc này sẽ giảm bớt.

thú y xã

Ông Vũ Quang Thùy đã có hơn 20 năm làm cán bộ Thú y xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện số nhân viên thú y xã toàn tỉnh là 136 người, trong số đó, 40 người là kiêm nhiệm, 96 người phụ trách độc lập. Đội ngũ này sẽ tham mưu cho UBND cấp xã trong việc quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y tại cơ sở; trực tiếp kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho UBND cấp xã và cơ quan thú y cấp huyện; tổ chức, thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trên địa bàn theo chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời tham mưu tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý ổ dịch phát sinh trên địa bàn theo quy định; giám sát các hoạt động chăn nuôi, thú y của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tuyên truyền và phổ biến tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y đến hộ nông dân.

Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình hoạt động của đội ngũ cán bộ thú y cấp xã năm 2021, nhận thấy công tác theo dõi diễn biến, dự tính, dự báo bệnh gia súc, gia cầm, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Thiếu nhân lực thú y để tham mưu, tổ chức phòng chống dịch; gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong địa bàn cấp tỉnh. Tại một số địa phương, do sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, địa bàn rộng, phụ cấp nhân viên thú y xã không tăng, vì vậy, nhiều nhân viên thú y một số xã đã bỏ việc.

 Một số xã, chính quyền cơ sở giao nhiệm vụ phụ trách thú y xã cho cán bộ chuyên trách cấp xã bị dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã như Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội cựu chiến binh… không được đào tạo chuyên môn về chăn nuôi và thú y nên không thực hiện được các biện pháp phòng, chống, báo cáo tình hình dịch bệnh động vật tại tuyến cơ sở như tiêm phòng vắc xin, điều trị bệnh động vật, chẩn đoán bệnh động vật, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh động vật… Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm hằng năm đạt tỷ lệ thấp, nhất là đối với đàn lợn, đàn gia cầm. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Sơn lấy ví dụ, như xã Phú Thịnh. Chủ tịch Hội Nông dân xã hiện đang kiêm cả phần việc của Thú y xã. Đợt tiêm phòng vụ xuân hè, tỷ lệ tiêm phòng của Phú Thịnh đạt rất thấp, đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó gần như bằng 0.

 

Miệt mài… ở tuổi 70

Xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) hiện có trên 600 con trâu, bò; gần 600 con lợn và 40 nghìn con gia cầm. Đảm trách phần dịch bệnh, sức khỏe cho tổng đàn này là “lão” cán bộ thú y Vũ Quang Thùy. Ông Thùy sinh năm 1955, năm nay đã 67 tuổi.

Tuổi cao, sức yếu, vài năm nay, cứ đi thôn, đi xóm thăm bệnh cho đàn vật nuôi, ông lại lân la hỏi xem có người nào vừa học thú y, có nhu cầu làm cán bộ thú y để ông “nhường sân” về nghỉ ngơi. Nhưng không ai có nhu cầu. Bà con trong xã hễ đàn trâu, bò, lợn gà có bệnh gì lại gọi ông đến thăm khám, rồi tiêm phòng. Ông Thùy bảo, có lẽ vì mình có thâm niên, bà con cũng nể, nên tỷ lệ tiêm phòng đàn vật nuôi của Lưỡng Vượng luôn đạt từ 60 – 70%.

Cũng như ông Thùy, “lão” cán bộ thú y của phường Hưng Thành Nguyễn Văn Kỷ năm nay đã 73 tuổi. Làm cán bộ thú y từ năm 1987, miệt mài 35 năm nay, ông Kỷ đã trở thành “cán bộ kỳ cựu” trong nghề này. Hưng Thành mấy năm nay số lượng hộ chăn nuôi đã giảm, tổng đàn vật nuôi cũng không còn nhiều, vì thế áp lực công việc với ông Nguyễn Văn Kỷ cũng giảm bớt đi, nhưng không vì thế mà ông giảm trách nhiệm với nghề. Ông bảo, đàn vật nuôi giảm, nhưng đàn chó lại tăng, ông tự hào vì tỷ lệ tiêm phòng dại đàn chó của phường Hưng Thành luôn đạt xấp xỉ 100%. Thay vì đến vào giờ hành chính, ông Kỷ chọn giờ trưa, giờ tối đến nhà người nuôi. Cứ tận tụy như vậy, 35 năm nay, chưa năm nào ông không hoàn thành nhiệm vụ của mình cả.

Không chỉ cứu chữa, thực hiện nhiệm vụ ở phường mình, đến vụ tiêm phòng hay đột xuất xảy ra dịch bệnh, ông Thùy, ông Kỷ lại lên đường hỗ trợ xã Tràng Đà – đơn vị cũng đang “khuyết” chân cán bộ thú y để cùng xã thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng, chống dịch.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đàn trâu toàn tỉnh hiện có gần 92 nghìn con; đàn bò gần 39 nghìn con; đàn lợn gần 550 nghìn con; đàn gia cầm gần 7 triệu con. Số lượng đàn vật nuôi ngày một nhiều, tình hình dịch bệnh trên đàn cũng diễn biến ngày càng phức tạp, chính vì vậy, việc thiếu cán bộ thú y cấp xã sẽ làm “đứt gãy” quá trình giám sát, quản lý dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ cơ sở.

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng cán bộ thú y xã ngày càng giảm. Đó là tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, áp lực công việc đối với đội ngũ này vì thế sẽ tăng theo. Trong khi đó, mức hỗ trợ cho công việc này lại tương đối thấp, chỉ hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này không đủ để đảm bảo đời sống, cũng không tạo được động lực để họ cống hiến, hết mình vì công việc.

Trước khi giải quyết được vấn đề này, thì giải pháp trước mắt của ngành nông nghiệp hiện nay là xây dựng và củng cố mạng lưới thú y cơ sở. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thông qua các Dự án (IFAD, RIDP, TNSP, VECO…), doanh nghiệp đã hỗ trợ tập huấn trang bị dụng cụ cho 827 người làm công tác thú y thôn bản, giúp tăng cường nhân lực cho hệ thống thú y cơ sở trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh ngay tại cơ sở. Đội ngũ này hàng năm hệ thống thú y cơ sở đã trực tiếp điều trị cho hàng trăm nghìn lượt gia súc, gia cầm (bình quân 20.000 – 25.000 lượt/tháng) góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

Tuy nhiên, về lâu dài, để thu hút được người về làm công việc này, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cần thiết phải tăng phụ cấp, hoặc bố trí cán bộ thú y vào biên chế cấp xã để họ có thêm nhiệt tình cống hiến với công việc.

Ghi chép: Trần Liên

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *