Nỗi lo tăng giá đầu vào

Chỉ trong vòng 6 tháng, thức ăn chăn nuôi đã có tổng cộng 5 lần tăng giá khiến ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Chưa dừng lại ở đó, theo thông báo chính thức mới đây của một số công ty chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi có thị phần lớn, kể từ ngày 1/7, giá nhiều loại thức ăn dành cho heo, gà, vịt… sẽ được điều chỉnh tăng thêm 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Trong khi giá heo hơi, giá gia cầm và trứng gia cầm có lúc tăng, lúc giảm thì giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm 2022 đến nay chỉ có tăng, chứ không hề giảm. Nếu tính cả lần tăng vào ngày 1/7 này thì thức ăn chăn nuôi đã có tổng cộng 6 lần tăng giá, tức bình quân mỗi tháng giá thức ăn chăn nuôi tăng 1 lần. Còn nếu tính từ đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên (năm 2020) đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng tổng cộng 17 lần. Có lẽ đây sẽ là một kỷ lục tăng giá không mong đợi của ngành chăn nuôi Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ qua.

giá đầu vào chăn nuôi

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, khiến người chăn nuôi gà thịt và heo hơi lo lắng, chưa mạnh dạn tái đàn mạnh. Ảnh minh họa: Tích Chu

Câu chuyện tăng giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có hồi kết, nhưng áp lực thì ngày một đè nặng lên vai người chăn nuôi vốn vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn sản xuất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Khó khăn, thua lỗ, lâm nợ… gần như đã trở thành những từ khóa thường nhật mỗi khi nói về ngành chăn nuôi. Và nó được minh chứng ngay lập tức qua trao đổi của người viết với ông Lâm Minh Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng về tình hình chăn nuôi trong tỉnh: “Rất khó cho người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp khi mà giá thức ăn và các chi phí đầu vào đều tăng mạnh, còn giá sản phẩm chăn nuôi thì không tăng tương ứng”.

Sóc Trăng là một trong số tỉnh có số trang trại chăn nuôi quy mô bán công nghiệp và công nghiệp lớn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên tác động từ việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn có sự hồi phục và tăng trưởng tương đối khá. Điều này có thể được lý giải là do phần lớn trang trại chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp của tỉnh là nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nên hiệu quả cao hay thấp, lời hay lỗ chủ yếu phụ thuộc vào tay nghề của chủ trang trại là chính. Theo chia sẻ của một chủ trang trại nuôi gia công, chỉ cần nuôi đạt theo định mức của công ty là đã có lời, còn nếu nuôi đạt tỷ lệ hao hụt ít hơn, hệ số thức ăn ít hơn, vật nuôi tăng trọng nhanh hơn thì mức lời sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để có được hợp đồng nuôi gia công với các doanh nghiệp lớn, nên số đông còn lại đã và đang tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức từ thị trường đầu vào cũng như đầu ra. Mới cách nay chưa đầy 1 tuần, giá heo hơi trong tỉnh còn ở mức 5,6 – 5,8 triệu đồng/tạ (100 kg) thì đến sáng ngày 29/6, theo ghi nhận của người viết chỉ còn 5,5 triệu đồng/tạ. Với mức giá trên, theo ông Lâm Minh Hoàng, chỉ có những hộ nuôi sử dụng thức ăn tận dụng, hay tự pha chế thức ăn thì còn có lời, còn những hộ nuôi sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp sẽ không có lời.

Theo các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong tỉnh, giá thức ăn chăn nuôi áp dụng sau ngày 1/7 đối với loại cho heo con là 510.000 – 530.000 đồng/bao 25 kg, loại dành cho heo thịt là 375.000 – 415.000 đồng/bao 25 kg và thức ăn dành cho heo nái là khoảng 315.000 đồng/bao 25 kg. Các loại thức ăn còn lại cho heo, bò, gà thịt, vịt thịt và gà, vịt đẻ cũng được điều chỉnh tăng khoảng 300 đồng/kg. Theo giải thích của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, họ buộc phải tăng giá bán vì giá nhập khẩu của các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như: đậu nành, lúa mì, bánh dầu, bột cá, cám công nghiệp… đều đã tăng cao. Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đã đẩy người nông dân vốn ở trong tình thế khó khăn sẽ càng khó khăn hơn, bởi chi phí thức ăn chiếm khoảng 65 – 70% giá thành chăn nuôi.

Thời điểm tái đàn phục vụ thị trường lễ, tết cuối năm đang cận kề nhưng giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí đầu vào khác cứ liên tục tăng trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại tăng giảm thất thường khiến người chăn nuôi không khỏi đắn đo, suy tính. Họ đắn đo bởi chưa biết giá thức ăn có còn tăng thêm nữa hay không, giá sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm liệu có giữ được đà tăng giá theo quy luật cung – cầu hàng năm hay không? Tất cả đều rất khó có thể đưa ra câu trả lời đúng nhất khi mà những ẩn số về giá xăng dầu, về cuộc khủng hoảng lương thực thế giới, về cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn chưa có đáp án. Và điều đó cũng đồng nghĩa với nỗi lo tăng giá sẽ còn đeo đẳng mãi người chăn nuôi.

Tích Chu

Nguồn: Báo Sóc Trăng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *