Nỗi lo phía sau lạm phát trứng gà

(Người Chăn Nuôi) – Trong báo cáo diễn biến giá trứng gia cầm toàn cầu của Rabobank, quý I/2023, chỉ số giá trứng đã chạm kỷ lục 250 điểm, cao cấp 2,5 lần so với năm tham chiếu 2007 và tăng hơn 100% so cùng kỳ năm ngoái.

Trứng gà không còn rẻ

Nan-Dirk Mulder, chuyên gia phân tích cấp cao ngành hàng protein động vật tại Rabobank cho biết, giá trứng dự kiến duy trì ở mức tương đối cao suốt năm 2023, đặc biệt ở những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm gia cầm (AI), chi phí đầu vào cao và những thay đổi về quy định quản lý.

Từ quý I/2023, giá trứng gà tại Nhật Bản lên đến 1,75 USD/kg, mức cao nhất kể từ năm 2003. Giá tại nhiều thị trường khác đã đạt kỷ lục, trong đó có Thái Lan và Philippines. Giá tăng đột ngột tác động đến chuỗi cung ứng trứng gia cầm, từ nhà sản xuất và khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ẩm thực và chế biến thực phẩm.

Tại các thị trường khác, giá trứng gia cầm có thể sẽ hạ nhiệt nhưng không quay về mức trước năm 2021, do chi phí đầu vào vẫn đang duy trì ở mức cao. Nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc thắt chặt các mắt xích quan trọng trong chuỗi, đặc biệt là cam kết nhiều hơn từ phía người mua hàng để bù đắp rủi ro trong sản xuất cho người nông dân mới có thể giúp ổn định thị trường. Chiến lược còn lại là kiểm soát AI ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, theo Mulder.

 giá trứng toàn cầu

Giá trứng dự kiến duy trì ở mức tương đối cao suốt năm 2023. Ảnh: Shutterstock

Trước đây, giá trứng tuân theo chỉ số giá thực phẩm của FAO. Tuy nhiên, giá trứng cũng thay đổi đặc biệt trong một số giai đoạn, ví dụ 2007 – 2013 khi ngành trứng gia cầm phải chật vật vượt qua thách thức giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và biến động liên tục. Từ năm 2013 – 2019, giá trứng trên thị trường cao hơn một chút so với biến động chỉ số giá do nhu cầu mạnh trong khi chi phí thức ăn ổn định. Giá trứng tuân theo chỉ số giá thực phẩm khi giá thức ăn chăn nuôi tăng vào năm 2021 và nhảy vọt vào năm 2022 sau khi cuộc chiến Nga và Ukraine bùng nổ. Từ đó, chỉ số giá trứng và chỉ số giá thực phẩm lại khác nhau.

6 nguyên nhân

Theo Mulder, giá trứng gà tăng vọt do tác động cùng lúc của 6 yếu tố cung và cầu, mặc dù mức độ liên quan của mỗi yếu tố khác nhau tùy theo khu vực. Yếu tố đầu tiên là giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang. Thức ăn chiếm 60 – 70% chi phí sản xuất trứng. Bất kỳ thay đổi nào, đặc biệt là sự thay đổi đột ngột và khó lường về chi phí thức ăn đều tác động đến giá trứng. Giá thức ăn chăn nuôi toàn cầu đã tăng gấp đôi từ giữa năm 2020 đến giữa 2022 là đòn giáng mạnh vào ngành trứng gia cầm.

“Thủ phạm” thứ 2 gây ra tình trạng lạm phát giá trứng chính là dịch cúm AI. Áp lực dịch bệnh đã tăng cao trong 2 năm qua. Tại Mỹ, hơn 40 triệu con gà đẻ đã bị tiêu hủy vào năm 2022. Ở Nhật Bản, hơn 15 triệu gà đẻ bị ảnh hưởng và ở châu Âu, đàn gà đẻ giảm 3 – 5%. Yếu tố thứ 3 thúc đẩy giá trứng tăng vọt là COVID-19, tác nhân chính làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều cơ sở sản xuất đã phải thu hẹp quy mô trong giai đoạn COVID-19 bùng phát, từ đó ảnh hưởng lớn đến nhu cầu.

Yếu tố tiếp theo làm thị trường trứng gia cầm bất ổn là hàng rào quy định nghiêm ngặt của nhiều quốc gia. Ví dụ, lệnh cấm tiêu hủy gà trống tại các trại giống ở Ðức vào năm 2012 đã tác động lớn đến thị trường. Theo Cơ quan dữ liệu thị trường MEG, đàn gà đẻ của Ðức giảm 20% do hạn chế này. Do Ðức là nước nhập khẩu trứng gia cầm lớn nhất châu Âu nên điều này tác động đến thị trường EU rộng lớn hơn. Tương tự, lệnh cấm nuôi gà trong chuồng lồng tại New Zealand đã dẫn đến tỷ lệ gà đẻ ở nước này giảm 5 – 12%. Tiếp theo, hành vi người tiêu dùng thay đổi do áp lực chi tiêu khiến họ tìm đến các protein rẻ hơn, làm tăng nhu cầu về trứng. Sau cùng, nguồn cung trứng bị thắt chặt hơn do sản xuất bất ổn.

Rủi ro phía trước

Ông Mulder cho biết, ngành công nghiệp trứng gia cầm nói chung tuân thủ theo quy luật sau: Giá chạm đỉnh sẽ có xu hướng đi xuống trong 1, 2 năm sau đó. Ðiều này thường do các ứng phó của nhà sản xuất đối với các giai đoạn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, họ thường tăng đàn để khai thác lợi thế giá cao, do đó gây ra tình trạng cung vượt cầu.

Trả lời câu hỏi, liệu diễn biến này có lặp lại tương tự trong năm nay không, ông Mulder cho rằng, giá trứng gia cầm sẽ giảm ở các quốc gia và khu vực có mức giá chạm đỉnh như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản, nhưng có thể sẽ không xuống mức thấp như trước năm 2021. Nhìn chung, giá trứng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao suốt năm 2023 nhưng khác biệt theo từng quốc gia. Trứng vẫn là thực phẩm “xa xỉ” ở các nước đang chịu áp lực AI dai dẳng, hạn chế nhập khẩu gà giống, thách thức về tài chính và các quốc gia đang thay đổi quy định, như Ðức, ông Mulder cho biết thêm.

Các quốc gia khác sẽ chứng kiến mức giá lịch sử quay trở lại và biến động liên tục sau khi chạm đỉnh. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao đồng nghĩa giá trứng gia cầm không quay về mức thấp như trước năm 2021, ông Mulder nhấn mạnh.

Một mối lo ngại lớn hiện nay là giá cao ảnh hưởng đến khả năng mua trứng của người tiêu dùng có thu nhập thấy, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Với nhóm khách hàng này, trứng là thực phẩm quan trọng và là nguồn cung protein và chất dinh dưỡng thiết yếu như Vitamin B12, B6 và D. Ở những thị trường này, trứng là thực phẩm protein giá phải chăng nhất và dễ phân phối, vì không cần vận chuyển trong dây chuyền lạnh. Nếu trứng đắt và nguồn cung hạn hẹp hơn, có thể kéo theo rủi ro lớn cho xã hội và sức khỏe cộng đồng, ông Mulder giải thích.

>> Từ trước đến nay, trứng luôn được coi là thực phẩm protein giá rẻ nên người nông dân phải chịu áp lực tài chính rất lớn. Năm ngoái khi giá đầu vào tăng, nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển gánh nặng chi phí sang giá bán sản phẩm. Ngoài ra, dịch bệnh AI ở các nước phát triển gây thiếu hụt nguồn cung trứng nghiêm trọng. Lạm phát trứng sẽ còn tồn tại một thời gian nữa, thậm chí dai dẳng tại một số thị trường nhất định.

Suresh Chit

Chủ tịch Hiệp hội Trứng gia cầm quốc tế

Dũng Nguyên

(Theo Worldpoultry)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *