Nỗi lo dịch cúm gia cầm

Gần đây, Campuchia ghi nhận nhiều trường hợp bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và đã có 1 ca tử vong. Trong khi đó, thực tế công tác phòng dịch trên địa bàn cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng vẫn còn hạn chế, việc chích ngừa vắc xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ khá thấp.

Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đạt thấp

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên có khoảng 692.000 con gia cầm các loại, trong đó có 614.800 con gà.

Ông Võ Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho biết, số gia cầm vừa nêu chủ yếu nuôi theo hình thức nhỏ lẻ và người dân địa phương ít quan tâm đến việc tiêm phòng vắc xin ngừa dịch cúm cho đàn gà vịt.

Bộ NN&PTNT yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Ảnh: PV

“Trong 2 đợt của năm 2022, toàn huyện chỉ tiêm được 2.500 liều vắc xin phòng bệnh cúm A cho đàn gia cầm, đạt tỷ lệ rất thấp” – ông Quang nói.

Người chăn nuôi chủ động kinh phí tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm

Theo Kế hoạch số 3160 (ngày 29/12/2022) về tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2023 do Sở NN&PTNT ban hành, năm nay việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm sẽ triển khai trong 2 đợt. Đợt 1 từ tháng 2 đến tháng 3 và đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 9. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 80% tổng đàn gia cầm. Người chăn nuôi tự bảo đảm kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi (gồm vắc xin, tiền công tiêm phòng, vật tư tiêm phòng). Trong trường hợp tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch xảy ra thì Nhà nước mới hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 1210 (ngày 6/4/2018) và Quyết định số 1798 (ngày 30/6/2021) của UBND tỉnh.

Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2022, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, tính đến cuối năm ngoái, tổng đàn gia cầm của Quảng Nam ước khoảng 8,95 triệu con (tăng 190.000 con so với tháng 12/2021), trong đó đàn gà 7,32 triệu con (tăng 302.000 con).

Tuy nhiên, trong năm 2022 xảy ra 8 ổ dịch cúm gia cầm tại các địa phương Quế Sơn, Núi Thành, Đại Lộc, Hiệp Đức, Điện Bàn, nguyên nhân các đàn gia cầm chưa được phòng bệnh bằng vắc xin hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Theo ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, do Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ nên phần lớn người chăn nuôi không mua vắc xin về chích ngừa cho đàn gia cầm.

Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam, trong tổng số gần 7,5 triệu con gà vịt nằm trong diện tiêm phòng trên địa bàn tỉnh thì đợt 1 năm 2022 có 92.571 con được chích vắc xin cúm gia cầm (tỷ lệ 1,24%), chủ yếu là vắc xin do tỉnh chi viện để tiêm phòng khẩn cấp bao vây khống chế các ổ dịch phát sinh. Còn trong đợt 2 năm 2022, số lượng gà vịt được tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm chỉ khoảng 33.400 con, tỷ lệ 0,45%.

 

Khẩn trương ngăn chặn

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, khoảng 1 năm trở lại đây trên địa bàn cả nước xuất hiện ít nhất 25 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 gây ra tại 22 tỉnh thành và số gia cầm bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc là hơn 100.000 con.

Cơ quan chuyên môn nhận định, thời gian tới nguy cơ loại dịch bệnh nguy hiểm này phát sinh và lây lan là rất cao. Đáng chú ý, tại Campuchia gần đây ghi nhận nhiều người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5N1 và đã có 1 ca tử vong.

chăn nuôi gà quảng nam

Người chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam cần chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhiễm. Ảnh: PV

Bộ NN&PTNT vừa có công điện đề nghị ngành liên quan và chính quyền các cấp triển khai đồng bộ những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm địa bàn.

Theo đó, khẩn trương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

Các địa phương cần chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay. Trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm xác định bệnh.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam và gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh…

Mai Nhi

Nguồn: Báo Quảng Nam
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *