Lần đầu tiên Ninh Bình phát hiện chủng virus cúm gia cầm A/H5N8 với ổ dịch ở xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn. Do đây là chủng vi rút cúm thể động lực cao, có thể lây sang người, nên ngành chức năng và địa phương đang cấp bách triển khai các giải pháp khống chế ổ dịch.
Chiều ngày 17/10/2021, sau khi nhận được thông tin đàn vịt nhà ông Trần Văn Quyền (xóm 10 Tây, xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn) có hiện tượng ốm chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện xuống kiểm tra, nắm tình hình.
Chăn thả vịt tự do tại các kênh mương làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N8.
Theo đó, đàn vịt của hộ gia đình này có tổng số gần 1.700 con, nuôi từ tháng 9/2021, giống mua qua một thương lái ở huyện Yên Khánh. Sau khi nuôi được hơn 1 tháng, vịt bắt đầu ốm chết rải rác từ 16/10 (có 50 con ốm và 300 con chết) gia đình đã tự đi chôn.
Nhận thấy đàn vịt ốm có những biểu hiện triệu chứng của bệnh cúm gia cầm, cơ quan chuyên môn ngay lập tức tổ chức tiêu hủy 485 con vịt chết. Đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Đêm ngày 19/10/2021 kết quả trả lời xét nghiệm, có 2/2 mẫu vịt dương tính với vi rút cúm gia cầm chủng H5N8.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Sau khi nhận được kết quả xác nhận đàn vịt nhà ông Quyền dương tính với virut cúm gia cầm H5N8, Chi cục đã phối hợp với Phòng NN & PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền xã Xuân Chính tiếp tục tổ chức tiêu hủy toàn bộ số vịt còn lại trong đàn là 545 con. Tổng số tiêu hủy toàn đàn từ ngày 18/10/2021 đến nay là 1.030 con.
Đồng thời, Chi cục đã cấp 27.000 liều vắc xin cúm gia cầm, chỉ đạo thành lập các tổ tiêm trong 3 ngày tiêm phòng bao vây toàn bộ đàn vịt trên địa bàn xã; phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cấp 12 lít hóa chất và 1,5 tấn vôi bột để vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi và xung quanh chuồng nuôi đàn vịt bị bệnh và các khu lân cận.
Về phía huyện Kim Sơn, địa phương cũng đã triển khai thống kê lại toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn các xã, thị trấn; tiếp tục mở rộng điều tra để phát hiện kịp thời các ổ dịch nếu có. Giao cho UBND xã Xuân Chính tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm H5N8 để người dân nắm được mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, tổ chức cho các hộ nuôi gia cầm ký cam kết không bán chạy, không sử dụng gia cầm ốm chết, nuôi nhốt gia cầm, không thả rông, không vứt xác gia cầm bừa bãi, tiến hành thu gom xác để đem đi tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Giao cho Trạm y tế xã Xuân Chính theo dõi tình trạng sức khỏe những người tiếp xúc với đàn vịt nhà ông Trần Văn Quyền.
Gia cầm mắc bệnh cúm thể động lực cao như chủng cúm A/H5N8 có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1-3 ngày. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vài ngày.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm vào địa bàn Ninh Bình là rất cao. Nguyên nhân là do đàn gia cầm trong tỉnh có số lượng khá lớn với 6,3 triệu con (tăng khoảng 1 triệu con so với trước). Mật độ chăn nuôi cao, trong khi đó, giá gia cầm thời gian gần đây thấp khiến người chăn nuôi có tâm lý lơ là trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh.
Hơn nữa, thời điểm này, đàn vịt chạy đồng bà con thả để tận dụng lúa rơi rụng của vụ mùa đang bước vào chính vụ xuất bán, việc vận chuyển giữa các địa phương sẽ rất phức tạp. Ngoài ra, nhiều vị trí chuồng trại chăn nuôi thuộc khu vực đồi núi, thường xuyên có gà rừng, chim cảnh hoặc tiếp xúc với chim trời mang mầm bệnh. Đặc biệt, thời tiết chuyển mùa cũng là những điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh lây lan, sinh sôi, nảy nở.
Để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác, hạn chế thấp nhất lây nhiễm và gây tử vong cho người, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang cử cán bộ chuyên môn tăng cường xuống các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Quyết liệt xử lý các trường hợp kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm trái phép, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động và bị động, lấy mẫu gia cầm sống tại các chợ, các địa bàn có nguy cơ cao, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh để gửi đi xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, vắc xin tiêm phòng vụ thu đông đã được cấp, đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu, tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân.
Nguyễn Lựu – Minh Đường
Nguồn: Báo Ninh Bình