Niềm vui từ đàn vật nuôi ở Đắk Nông

Năm 2024 chứng kiến những bước tiến lớn của chăn nuôi Đắk Nông, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp.

Mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ sinh học

Anh Lê Văn Tín, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) chăn nuôi gà nhiều năm nay. Từ khởi đầu khiêm tốn với quy mô nhỏ lẻ, đến nay anh Tín đã phát triển 2 trang trại chăn nuôi gà với quy mô hơn 8.000m², mỗi năm cung cấp khoảng 300.000 con gà thịt và gà giống ra thị trường.

Mỗi năm anh mở rộng quy mô lên khoảng 1.000 m2 chuồng trại và tăng khoảng 20% tổng đàn chăn nuôi của gia đình.

Anh Tín chia sẻ: Để phát triển chăn nuôi bền vững, tôi đã dành thời gian nghiên cứu và thử nghiệm tạo ra một loại men sinh học kết hợp từ men, tỏi, mật ong, được ủ trong 3 tháng. Loại dung dịch này giúp gà khỏe mạnh, tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn và giúp giảm thiểu chi phí đáng kể.

Nhờ vào phương pháp này, đàn gà của anh luôn phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật, phân thải khô ráo, không gây mùi hôi khó chịu, góp phần giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Chất lượng đàn gà cũng được nâng cao giúp anh dễ dàng xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra ổn định.

Dù nuôi quy mô lớn nhưng anh Tín thiết kế chuồng trại bên cạnh khoảng vườn làm “sân chơi” cho gà. Mỗi ngày anh Tín đều thả gà ra vườn và nhốt lại khi trời tối.

Nhờ đó, sản phẩm từ trang trại của anh chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

chăn nuôi Đắk Nông

Mỗi năm anh Lê Văn Tín, thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) tăng đàn 20%

Mỗi năm, anh Tín đều xây dựng và mở rộng mối liên kết tiêu thụ để bảo đảm đầu ra ổn định cho đàn vật nuôi. Sự phát triển của trang trại gà mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

Tương tự, năm 2021, anh Hà Trung Hiếu, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã bắt đầu đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi.

Hiện anh có hơn 150 con bò, trong đó có những giống bò lai mang ưu điểm vượt trội như bò 3B, bò lai Sind và Bradman. Những giống bò này được thị trường ưa chuộng nhờ khả năng tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn và chất lượng thịt cao.

Anh Hiếu chia sẻ: “Để bảo đảm sự phát triển lâu dài của trang trại, tôi tập trung vào việc mở rộng số lượng và chú trọng vào chất lượng giống. Tôi tuyển chọn những giống bò có sức khỏe tốt, phù hợp với khí hậu và điều kiện tự nhiên của địa phương”.

Để duy trì chuỗi sản xuất khép kín, anh Hiếu đã trồng cỏ làm thức ăn cho bò, sử dụng phân bò để trồng các loại cây như cà phê, mít, sầu riêng, mắc ca.

Đây là một cách làm hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa nguồn tài nguyên, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Hiện nay, anh Hiếu đang đầu tư để mở rộng quy mô chuồng trại thêm 500 con bò.

chăn nuôi Đắk Nông

Trang trại bò của anh Hà Trung Hiếu, ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Một điểm nổi bật trong mô hình của anh Hiếu là việc sử dụng phân bò để nuôi trùn quế, tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao, vừa phục vụ cây trồng vừa giảm thiểu rác thải. Chuỗi sản xuất khép kín này giảm chi phí và bảo đảm nguồn thu nhập bền vững và thân thiện với môi trường.

Toàn tỉnh hiện có 564 trang trại chăn nuôi, trong đó 313 trang trại chăn nuôi heo, 75 trang trại chăn nuôi gia cầm, 176 trang trại chăn nuôi trâu, bò.

Đắk Nông có 5 chuỗi liên kết chăn nuôi heo và 2 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm. Tốc độ tăng trưởng của ngành Chăn nuôi năm 2024 đạt 9,18%.

Đắk Nông có đàn heo 559.100 con, đàn bò 27.850 con, đàn trâu có 4.270 con, đàn gia cầm có 3.025 triệu con, đàn dê 39.620 con.

Chăn nuôi bền vững

Năm 2024, chăn nuôi Đắk Nông ghi nhận những bước tiến tích cực với quy mô mở rộng và áp dụng các mô hình sản xuất bền vững. Người chăn nuôi đã khai thác hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn sẵn có.

Ngoài ra, người chăn nuôi đã và đang áp dụng công nghệ mới, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và bảo đảm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, chất lượng.

chăn nuôi Đắk Nông

Chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững đang được nhiều người dân Đắk nông áp dụng

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đánh giá, việc phát triển chăn nuôi không chỉ dừng lại ở mở rộng quy mô mà người dân đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng và ứng dụng các phương pháp chăn nuôi bền vững.

Các mô hình khép kín, có sử dụng hệ thống tự động hóa và giám sát đang được người dân chú trọng đầu tư. Điều này giúp giảm thiểu chi phí sản xuất về lâu dài và bảo đảm an toàn sinh học, kiểm soát tốt các yếu tố dịch bệnh.

Đối với chăn nuôi việc giảm thiểu tác động môi trường là rất quan trọng. Người chăn nuôi đã nhận thức điều này và đang áp dụng nhiều công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi.

Các mô hình người chăn nuôi áp dụng giúp bảo vệ môi trường, sử dụng phân bón từ chăn nuôi giúp cải thiện chất lượng đất và góp phần vào sản xuất nông nghiệp tổng hợp.

chăn nuôi Đắk Nông

Biểu đồ: Thế Huy

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, chăn nuôi của tỉnh Đắk Nông đang chuyển từ hình thức nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung.

Tỉnh đã có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn và hình thành nhiều chuỗi liên kết giá trị mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.

Người chăn nuôi đang có nhiều cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, hữu cơ bảo đảm an toàn sinh học và dịch bệnh, bền vững về môi trường.

chăn nuôi Đắk Nông

Trang trại bò 150 con của anh Hà Trung Hiếu ở thôn 1, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức

Cũng theo ông Đông, ngành Nông nghiệp đang định hướng xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư, thuận lợi cho bảo vệ môi trường và phòng tránh dịch bệnh.

Chăn nuôi theo hướng bền vững gắn kết chặt chẽ giữa phát triển quy mô đàn theo phương thức công nghiệp, giết mổ và chế biến sản phẩm theo hướng tập trung quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm.

Đắk Nông ưu tiên phát triển đàn heo, đàn gia cầm, chủ lực là gà theo cả hướng thịt và hướng trứng, đàn gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, cừu,..).

Tỉnh xác định chăn nuôi chủ lực trước mắt là bò thịt, lâu dài có thể phát triển thêm bò sữa khi thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.

Năm 2024, Đắk Nông đồng ý chủ trương đầu tư 9 dự án chăn nuôi. 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, với tổng đàn 96.800 con đã đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tập đoàn TH đang xúc tiến đầu tư dự án chăn nuôi bò 50.000 con, quy mô trên 600ha tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.

Hưng Nguyên

Nguồn: Báo Đắk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *