Những dấu ấn không phai mờ của cố Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn đối với ngành chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Nhắc đến cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là nhắc đến một chính khách làm việc quyết liệt, tư duy chiến lược và gần gũi với nông dân. Ông đã dành trọn vẹn cuộc đời, tận tâm cống hiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.

 Người tâm huyết với nghề nông

Có lẽ hầu hết những người làm nông nghiệp đều biết nhiều giống cây trồng, vật nuôi ở nước ta hiện nay đều mang dấu ấn của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Giống cây trồng có lúa, mía đường, khoai lang, cỏ VA06 làm thức ăn chăn nuôi, mắc ca, cam, quýt, chè… Đặc biệt ở lĩnh vực chăn nuôi, những con giống góp thành một ngành sản xuất như: Đà điểu, ngan Pháp, bồ câu Pháp, gà Tam Hoàng, gà Ai Cập…

Một phần xuất phát từ đam mê, nhưng một phần là trí tuệ uyên thâm. Vì vậy, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn không những là chính khách vừa giỏi về quản lý vừa hiểu biết sâu sắc về kỹ thuật, nắm vững kiến thức về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, cơ sở khoa học để khuyến cáo, chỉ đạo những cây gì, con gì phát triển phù hợp với vùng nào ở Việt Nam. Không những chỉ đạo mà khi còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông đã tự tay xách vài chục quả trứng gà Ai Cập từ đất nước Trung Đông xa xôi mang về Việt Nam giao cho Viện Chăn nuôi nghiên cứu lai tạo. Với sự quan tâm “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và không quản ngại khó khăn từ vài chục quả trứng, vượt hàng ngàn cây số qua nhiều đường bay, ông đã mang về Việt Nam giao cho Viện Chăn nuôi nhân giống thành công. Ngày nay, Viện Chăn nuôi và một số cơ sở chăn nuôi đã và đang cung ứng ra thị trường hàng triệu con gà giống hướng trứng Ai Cập thuần cũng như con lai có năng suất chất lượng cao, phục vụ bà con nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi trong cả nước.

Và ấn tượng về công lao của ông Nguyễn Công Tạn với ngành chăn nuôi có lẽ chính là việc ông đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để du nhập con Đà điểu vào Việt Nam và ngày nay vật nuôi mới này đã được phát triển rộng rãi, trở thành một ngành hàng quan trọng trong ngành chăn nuôi nước ta.

Vào năm 1995, trong một lần đi công tác ở Australia, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã nhờ đối tác xin hai quả trứng Đà điểu. Sau khi mang về Việt Nam, chính ông đã giao cho Viện Chăn nuôi ấp thử thành công. Nhận thấy nuôi Đà điểu là tiềm năng và mở ra triển vọng cho ngành chăn nuôi nước ta, ông đã vận động doanh nghiệp ủng hộ Bộ 100 quả trứng Đà điểu và tiếp tục giao cho Viện Chăn nuôi để nghiên cứu ấp nở và nhân giống.

Đó chính là cột mốc đánh dấu đà điểu trở thành ngành sản xuất hàng hóa mới của Việt Nam, sau này xuất ngược sang các nước Nam Phi, Trung Quốc…

Đà điểu đã trở thành một đối tượng mới trong cơ cấu nền nông nghiệp nước nhà, là một thành quả khoa học phát triển tính đa dạng sinh học của Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân. Đây là công lao đóng góp rất lớn của một nhà nông học và lịch sử ngành nông nghiệp nước nhà đã ghi nhận những công lao của cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn.

Những giấc mơ có thực

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học vinh dự được làm việc chung với cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đều có chung nhận xét, ông là con người hành động, không nói suông và lăn lộn với thực tiễn nông nghiệp nước ta. Ở đâu có cây gì mới, con gì hay, ông Tạn tìm đến nơi để tay được sờ, mắt thấy thực tế và trao đổi cùng nông dân để nghiên cứu nhân rộng. Một hình ảnh khó quên đối với cá nhân tôi là vào một buổi chiều tháng 6 năm 1999, tôi vinh dự được tiếp và dẫn cố Phó Thủ tướng đích thân ra cánh đồng cỏ cạnh Viện Chăn nuôi để ông kiểm tra kết quả nhân ươm một giống cỏ mới mà ông đã chỉ đạo mang về Việt Nam không lâu. Là chính khách nhưng phong cách của ông rất “nông dân”. Mặc dù lúc đó đang đi đôi giày đen, nhưng ông đã không quản ngại bùn đất lội thẳng xuống ruộng để ngắm nghía vuốt ve từng cây cỏ mà Viện vừa mới ươm và đặt ra nhiều hỏi rất kỹ thuật.

Những con ngỗng trời được ông Tạn mua từ các vùng biển khắp cả nước đưa về trang trại, hiện nay chúng sinh trưởng tốt và bắt đầu đẻ trứng. Ảnh: Phương Hòa

Với tư duy chiến lược, quyết đoán trong hành động, ông Tạn có đóng góp quan trọng phát triển ngành chăn nuôi bò sữa của nước nhà. Không phải là “dân” làm chăn nuôi, nhiều người phải thán phục trước vị tư lệnh đầu tiên của ngành nông nghiệp ở sự quyết tâm đeo đuổi đến cùng mỗi ý tưởng. Lúc đương thời làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Tạn mơ ước phát triển chăn nuôi bò sữa để có những “dòng sông sữa” chảy vào trường học, giúp người Việt Nam nâng cao tầm vóc thể chất.

Có lần tại một hội nghị lớn về nông nghiệp, ông đã đề xuất xây dựng hệ thống trang trại 10.000 con bò phục vụ cho ngành chế biến sữa, nhưng không ít chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, lãnh đạo hoài nghi và viện dẫn nhiều lý do phản đối. Vì có những định kiến như thế, ngành bò sữa nước ta đã ỳ ạch trong thời gian dài. Kiên định trước dư luận trái chiều đến khi trở thành cương vị Phó Thủ tướng, ông Tạn đặt niềm tin và quyết tâm cho ra đời chính sách đầu tiên khuyến khích doanh nghiệp và nông dân nuôi bò sữa, từ đó đã tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của ngành sữa Việt Nam với mức tăng trưởng về sản lượng sữa bình quân 15%/năm. Đến nay sản phẩm sữa bò Việt Nam đã được xuất khẩu tới 43 nước và vùng lãnh thổ.

Hành động không ngừng nghỉ

Ý tưởng nhiều vô kể, thành công cũng nhiều và không ít thất bại nhưng đến những năm cuối đời cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vẫn là con người của hành động. Ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục lặn lội đi tìm những điều mới lạ trong khoa học và cả trong chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Một lần tình cờ biết đến mô hình nuôi vịt trời ở hồ Cấm Sơn trên Bắc Giang,  ông đã nghĩ ngay đến việc tại sao mình không nhân đàn để gìn giữ một giống chim quý? Thế là một mặt thuyết phục cổ đông Viện Nghiên cứu và Phát triển khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây (Viện hình thành với mấy cổ đông trong đó có ông Tạn), một mặt ông đi lùng mua vịt của cánh thợ săn. Phải gom từng ít một, gom thật nhanh trước khi chúng biến thành những con vịt hấp vàng ươm, thơm lừng, bốc khói nghi ngút trên đĩa của các nhà hàng.

Nói là làm, ông đã chỉ đạo thu gom được 300 mái đẻ, hàng trăm đực giống thuộc bốn dòng vịt trời ở Tiền Hải (Thái Bình), Giao Thủy (Nam Định), phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế), Đắk Lắk về làm giống để nhân đàn. Con vịt trời lại dắt díu cả con ngỗng trời về nữa. Hai trại thuần hóa tại Hòa Bình và Hà Nội được hình thành. Lứa đầu đàn vịt trời đẻ được 100 trứng còn đàn ngỗng trời đẻ 20 trứng, gần trăm chú vịt và chục chú ngỗng con đã kịp chào đời trong niềm vui sướng của “lão nông Nguyễn Công Tạn”.

Vịt trời ở ta dù dòng nào cũng hầu như bắt nguồn từ vùng Siberia (Nga) lạnh giá. Do mùa đông giá rét kéo dài, chúng thường bay về những mảnh đất phương Nam ấm áp để tránh rét. Chúng có chung một đặc điểm là có vài cái lông xanh ở cánh, nhưng các dòng lại khác nhau ở màu mỏ, màu lông, màu chân, màu cổ. Dòng vịt trời đang nuôi ở hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) rất giống dòng vịt trời bắt được ở Thái Bình; còn dòng Nam Định, dòng Huế, dòng Đắk Lắk lại khác biệt thấy rõ. Nhưng lúc đó ông tra sách, lướt mạng cũng chỉ dạy nuôi những loài vịt nhà, ngỗng cỏ chứ không có vịt trời, ngỗng trời nên ông và các cộng sự đều phải mày mò, đúc rút từng chút kinh nghiệm. Ông thuê hẳn cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, thuộc Viện Chăn nuôi thực hiện đề tài nghiên cứu, thuần hóa vịt trời, ngỗng trời, mục đích chính là thuần hóa và phát triển nhiều dòng giống và sau này thương mại hóa các loại vật nuôi mới đó.

Với những nỗ lực, nhọc nhằn và đóng góp thiết thực của cá nhân ông từ thuở ban đầu, ngày nay vịt trời, ngỗng trời đã trở thành những vật nuôi khá phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước và mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân.

Người giữ lửa cho mai sau

“Khoa học luôn phải đi tắt đón đầu”, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vẫn thường tâm sự trong các buổi nói chuyện với các nhà khoa học như thế. “Làm ngành nông nghiệp, có khi một đời người chỉ nghiên cứu thành công được một giống tốt thôi đã là quý lắm rồi. Huống chi đất nước mình còn khó khăn, năng lực trình độ còn hạn chế, cơ chế, chính sách còn thiếu để phục vụ công tác nghiên cứu nên du nhập những giống người ta đã nghiên cứu, rồi cho khảo nghiệm, nếu phù hợp thì nhân rộng cũng là cách tốt”.

Không phải giống nào du nhập về cũng thành công, những lúc thất bại, ông Tạn thường động viên cán bộ và xác định quan điểm: Đưa 10 mà được 1 – 2 là tốt lắm rồi. Vì vậy, ông Tạn luôn mong muốn đối với lĩnh vực khoa học, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng là sinh vật, rủi ro rất cao, muốn đi nhanh thì Nhà nước phải có “quỹ đầu tư mạo hiểm” để khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn, hăng say hơn nữa và khuyến khích đầu tư tư nhân vào nghiên cứu khoa học. Nhưng rất tiếc do nguồn lực còn hạn chế và do còn có ý kiến khác nhau nên hiện nay chưa làm được. Cái chính là thực tiễn nhằm đi tắt đón đầu áp dụng các thành tựu khoa học nhanh mà ít tốn kém thời gian, kinh phí của Nhà nước. “Làm nông nghiệp mà chỉ lý thuyết suông thì vứt” ông đã có lần bộc bạch như vậy. Ý chí ấy, tâm huyết ấy của người lãnh đạo thật hiếm có.

Sự say mê ấy có sức lan tỏa đến rất nhiều người khi làm việc, tiếp xúc với ông Nguyễn Công Tạn. Có một câu chuyện vui về một người Italy từng rút 5.000 USD đưa thẳng cho một đơn vị trong ngành Nông nghiệp khi nghe ông Tạn nói về chuyện nuôi tằm quá hay. Và cũng chính niềm đam mê đã thấm vào máu nên ông quan niệm rằng: Không đam mê, không quyết tâm thử thì đừng làm nông nghiệp.

Từng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo địa phương và Trung ương, lại có kinh nghiệm thực tế vô cùng phong phú nên có thể nói cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn là một kho tàng của nông nghiệp Việt Nam. Ông không coi mình là một chính khách, là chức vụ lãnh đạo cấp cao mà chỉ luôn là một người nông dân đi tìm tòi cái mới và mong muốn áp dụng cái mới để thoát nghèo cho đồng bào. Và khi biết mình đã già, ông chú trọng vào đào tạo thế hệ kế cận ở Đại học Dân lập Thành Tây (nay là Đại học Phenikaa), dồn hết tâm huyết vào trang trại nuôi vịt trời, ngỗng trời và trồng thạch hộc tía, coi đó như “gia sản” truyền lại cho thế hệ sau.

Đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông Nguyễn Công Tạn, người bạn lớn của nông dân Việt Nam, vẫn một lòng hướng về bà con với lý tưởng cao đẹp “người nông dân Việt có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình”. Suốt cuộc đời ông luôn đi theo lý tưởng, đạo đức cao đẹp của Bác Hồ kính yêu. Ông ra đi nhưng biết bao bài học quý giá vẫn còn đọng lại. Những chính sách “do nông dân, vì nông dân” của ông vẫn là chặng đường dài mà lớp lớp người làm nông nghiệp đang và sẽ bước tiếp./.

                                                                              Nguyễn Thanh Sơn

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *