(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục, nhưng tình hình nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật vẫn còn phức tạp.
Tái diễn phức tạp, thủ đoạn tinh vi
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn về thú y tại Hội nghị trực tuyến Phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật diễn ra chiều 21/1/2025 tại Hà Nội; năm 2024 các Cơ quan quản lý chuyên ngành về thú y đã phối hợp với địa phương xử lý 229 vụ vi phạm với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm; 1.122.564 con động vật và 242.772 kg sản phẩm động vật.
So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng lên 53 vụ vi phạm; 38.400 quả trứng gia cầm; 671.901 con động vật và 212.841 kg sản phẩm động vật nhập lậu. Riêng trong tháng 1/2025, cơ quan chức năng đã xử lý 13 vụ vi phạm với tổng số 11.647,44 kg sản phẩm động vật nhập lậu.
Số vụ việc buôn, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật bị cơ quan chức năng xử lý trong năm 2024 tăng kỷ lục. Ảnh: TTX
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long nhận định, năm 2024, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc và gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trong đó có bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao (ở Việt Nam đã có 1 người tử vong do nhiễm Cúm A/H5), bệnh dịch tả heo châu Phi… Điều này có thể ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và sức khỏe người dân.
“So với nhiều năm trước, số vụ việc buôn, nhập lậu bị cơ quan chức năng xử lý trong năm 2024 tăng kỷ lục, mức xử lý cũng rất nặng, kể cả khởi tố hình sự, thế nhưng tình trạng nhập lậu động vật tại các địa phương vẫn tái diễn phức tạp. Trước tình hình đó, Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hai công điện nhằm tăng cường kiểm soát buôn lậu và phòng chống dịch bệnh động vật”, ông Long cho biết.
Cũng chung nhận định, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu ví dụ, năm 2024, khi đơn vị cùng đoàn công tác kiểm tra tại tỉnh Cao Bằng đã phát hiện gà, vịt con bán tại chợ không có nguồn gốc, tình trạng buôn bán công khai nhưng không có ai kiểm soát. Kiểm tra tại điểm nóng là TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trong 8 tháng đầu năm 2024, Cục phát hiện 12 vụ vận chuyển gia cầm giống (156.746 con gà, vịt con); 6 vụ vận chuyển sản phẩm động vật (34.182 kg chân gà, thịt vịt, trứng non, nội tạng, nầm…); 27 vụ vận chuyển các sản phẩm chế biến từ động vật (3.542 kg xúc xích, bánh bao nhân thịt heo sống); 3 vụ vận chuyển trứng gia cầm (53.500 quả trứng gà, vịt, vịt biển).
“Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép chất cấm, động vật sống qua biên giới, trên biển còn diễn biến phức tạp, địa bàn hoạt động rộng, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu ngày càng tinh vi. Do đó, gây khó khăn cho lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, ông Đăng nhận định.
Mới đây, ngày 11/1/2025, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an đã bắt quả tang một đơn vị ở huyện Đức Hòa (Long An) đưa 900 con heo bệnh vào giết mổ đưa đi tiêu thụ tại các quầy hàng. Cơ quan chức năng đã lấy 24 mẫu để xét nghiệm, trong đó có đến 19 mẫu phát hiện dịch tả heo châu Phi, tai xanh…
Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05, xác nhận, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, bắt giữ liên tục, nhưng tình hình vẫn không giảm, thậm chí các đối tượng buôn lậu đã thay đổi về hình thức, tinh vi hơn. Ví dụ tại Quảng Ninh, nếu trước đây là động vật thì nay đã chuyển sang trứng gia cầm, giống thủy sản để dễ bề tiêu thụ, lẩn trốn. Không chỉ vậy, do chênh lệch giá cả, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã lôi kéo người dân tham gia vào buôn lậu. Tại khu vực Tây Nam bộ, mỗi con trâu, bò khi được lùa qua biên giới có thể được trả công đến 800.000 đồng.
“Đối tượng là các chủ doanh nghiệp, đầu nậu không đăng ký kinh doanh, kể cả người dẫn đường, canh đường, cửu vạn, bảo kê tiếp tay, xe vận tải hạng nặng cũng tham gia, chở qua lại biên giới thoải mái. Tình trạng buôn lậu động vật, sản phẩm động vật gây hậu quả lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam”, đại diện C05 cho biết.
Tăng cường kiểm soát chặt
Đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Thú y đều nhận định, mặc dù ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa, nhưng nguy cơ từ buôn lậu là rất lớn và đây cũng là một trong ba vấn đề cần quan tâm, xử lý quyết liệt. Cụ thể, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất quy mô công nghiệp, an toàn sinh học để tăng cường xuất khẩu, ngành chăn nuôi, thú y cần tiếp tục siết chặt quản lý nhập khẩu, đồng thời phối hợp đồng bộ với các ngành, địa phương để phòng, chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật.
Chỉ đạo tại Hội nghị chống nhập lậu lần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố cần tập trung quyết liệt, có sự phối hợp với các đơn vị liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật để bảo vệ sản xuất chăn nuôi trong nước.
“Nhiều địa phương có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, kêu gọi “đại bàng vào đẻ trứng vàng” trong lĩnh vực chăn nuôi, nhưng lại để diễn ra phổ biến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật. Như vậy, môi trường đầu tư của địa phương sẽ rất hạn chế”, Thứ trưởng Tiến thẳng thắn chỉ rõ. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: “Nếu các địa phương còn để tái diễn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê bình các tỉnh, thành”.
Thùy Khánh