Chăn nuôi lợn của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, mặc dù vậy, theo các chuyên gia hiện nay chúng ta chăn nuôi được rất nhiều nhưng xuất khẩu thì chưa được như kỳ vọng.
Đây cũng là một trong những nội dung được các đại biểu đem ra thảo luận tại Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn đông lạnh lớn nhất của Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Công (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, năm 2023, sản lượng thịt lợn thế giới đạt hơn 114 triệu tấn, tăng 0,3% so với năm 2022. Năm 2023 sẽ có sự gia tăng sản lượng ở các thị trường Trung Quốc, Canada, Brazil và sụt giảm ở EU, Nhật Bản, Mexico, Philippines. Tổng đàn lợn trên thế giới cuối năm 2023 ước đạt 769,7 triệu con, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu tái đàn giảm dần và lượng tồn kho thời điểm đầu năm ở mức cao.
Chăn nuôi lợn của Việt Nam có tiềm năng rất lớn, mặc dù vậy, theo các chuyên gia hiện nay chúng ta chăn nuôi được rất nhiều nhưng xuất khẩu thì chưa được như kỳ vọng.
Trung Quốc là thị trường có nhu cầu thịt lợn lớn nhất, dự kiến tăng 1,1%, đạt 56 triệu tấn (chiếm 48,8% toàn thế giới), quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn (tăng 8%). EU là khu vực xuất khẩu thịt lợn lớn nhất, sản lượng dự kiến 21,7 triệu tấn (giảm 2,8%); xuất khẩu đạt 3,7 triệu tấn (giảm 11,3%) và nhập khẩu ước đạt 100.000 tấn (giảm 17,4%).
Theo ông Hòa, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.
Phát triển mạnh các nhà máy chế biến thực phẩm
Việt Nam hiện có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…) 15-20%, chế biến phụ phẩm sau giết mổ (nước xương, thức ăn chăn nuôi) đã được đầu tư.
Tuy nhiên, quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng. Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thịt, cần phải phát triển mạnh các nhà máy chế biến, sản phẩm phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang “sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”. Cả năm 2022, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.
“Đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường với 98 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu”.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, cơ quan này đang phối hợp các doanh nghiệp triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Để xuất khẩu được thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng một trong những yêu cầu hiện nay là phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 800.000 ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương… để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Còn đối với vùng chăn nuôi đạt chuẩn an toàn sinh học để có sản phẩm thịt xuất khẩu theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương xây dựng tại Đông Nam Bộ, vì đây là vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
“Chúng ta “ăn đong” nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong khi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 65% chi phí giá thành sản xuất thì sản phẩm chăn nuôi của chúng ta làm sao mà xuất khẩu, cạnh tranh được với thế giới; phải giải quyết được tình trạng này”, ông Tiến nói.