Việc hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi mà còn đưa ra thị trường một lượng lớn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm
Thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, với 59 chuỗi có nguồn gốc động vật. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động hiệu quả như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội), chuỗi trứng Tiên Viên…
Chăn nuôi bò sữa góp phần nâng cao đời sống cho nông dân ở huyện Ba Vì. Ảnh: Thiện Tâm
Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn với tổng quy mô 300 nghìn con tại 63 điểm với 362 hộ tham gia ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng.
Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, có tốc độ tăng trưởng cao, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn…; đồng thời tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đến nay đã có 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.
Để xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 để triển khai thực hiện. Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các trại chăn nuôi trong khu dân cư nhằm đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi và giữ vững an sinh xã hội. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, các khu giết mổ tập trung xa khu dân cư tại các vùng sản xuất chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của các cơ sở giết mổ.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch…
Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ.“Hiện sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã được phân phối đến hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn huyện và nhiều nơi lân cận, được người tiêu dùng ưa chuộng”, ông Nguyễn Trọng Long cho biết.
Hỗ trợ về con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc
Nhờ chăn nuôi bò liên kết với các doanh nghiệp tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhiều người dân ở huyện Ba Vì đã nâng cao đời sống, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Xã Minh Châu là một ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Danh Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Châu, huyện Ba Vì cho biết, xác định lợi thế đất đai, khí hậu, trong những năm qua, xã Minh Châu đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi bò bò thịt, bò sữa.
Chăn nuôi công nghệ cao là xu thế tất yếu, trên thực tế đang diễn ra sôi động trên thế giới. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, tạo công ăn việc làm, đảm bảo các lợi ích kinh tế cho các bên liên quan và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trong nước với sản phẩm nhập khẩu. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, ngành chăn nuôi Hà Nội có vai trò rất lớn đối với ngành chăn nuôi cả nước. Việc ứng dụng công nghệ cao được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, bởi không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Đặc biệt, xã đã triển khai các chính sách hỗ trợ về con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cải tạo chất lượng đàn bò; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Hiện nay, xã đã xây dựng được liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa, Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu, thu mua sữa của bà con trong xã. Về chăn nuôi bò thịt, tại Minh Châu đang tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, đồng thời phát triển ổn định đàn bò tại địa phương, trong đó duy trì tốt đàn bò cái để sản xuất giống, làm tốt hơn công tác tuyên truyền người dân áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho bò để nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, xã quan tâm đến các giống bò có sản lượng thịt và chất lượng thịt cao (như BBB; Wagyu…). Khuyến khích người dân giữ lại bò giống cái (bò Sind, Brahman, Wagyu…) để làm nền và lai tạo ra thế hệ bò lai. Tổ chức liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định.
Theo ông Phương Văn Trường, xóm 1, xã Minh Châu, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế về đất đai, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Minh Châu đã tích cực chuyển đổi đàn vật nuôi, tập trung phát triển mạnh chăn nuôi đàn bò thịt, bò sữa.
Hiện nay, tổng đàn bò toàn xã có gần 5.200 con, trong đó, bò cái sinh sản có trên 2.600 con, bò sữa có trên 2.000 con. Minh Châu đang là một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của huyện Ba Vì và Hà Nội. Đồng thời, cũng là địa phương cung cấp bò giống, bò thịt cho nhiều địa phương trong cả nước. Từ chăn nuôi bò liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hằng năm có nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng.
Để phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, xã Minh Châu đang tập trung quy hoạch, gắn với đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, hướng tới thị trường hàng hóa. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cải tạo con giống. Cùng với đó là tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi; đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm sữa bò, tập trung vào xây dựng thương hiệu, chất lượng đàn bò, để chăn nuôi phát triển ổn định./.
H.Phong – Thiện Tâm