Nhận diện thách thức và cơ hội

Jan Henriksen(Người Chăn Nuôi) – Ngành gia cầm đang đứng giữa ngã ba đường, nơi hội tụ cả thách thức lẫn cơ hội. Dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại các nền kinh tế mới nổi ngày càng tăng đã trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thịt gia cầm bền vững được sản xuất theo tiêu chuẩn phúc lợi cao. Đồng thời, ngành gia cầm cũng phải đối mặt những “chướng ngại vật” cản trở khả năng đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, vẫn có một chiến lược giải quyết được những thách thức nói trên và góp phần vào tương lai bền vững hơn cho ngành gia cầm và cộng đồng người tiêu dùng. 

Trong khi dân số toàn cầu tiếp tục bùng nổ ở một số khu vực, thì ở nhiều nơi khác, kể cả các nước phát triển như Nhật Bản, Italia, Trung Quốc và Brazil, dân số lại có xu hướng giảm. Những thay đổi nhân khẩu học này trùng hợp với sự gia tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ. Khi các nước này phát triển, thu nhập ngày càng tăng ngay cả khi phải đối mặt thách thức lạm phát đang tiếp diễn. Thay đổi này cũng kéo theo sự gia tăng sức mua đối với thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể. 

Thịt gà, một thực phẩm giàu dinh dưỡng và ít béo trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. Ngoài ra, các tiêu chí lựa chọn thực phẩm bao gồm tính bền vững và phúc lợi động vật ngày càng được chú trọng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phúc lợi động vật rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững và người tiêu dùng đang thể hiện nhận thức cao hơn và đòi hỏi sự minh bạch hơn bao giờ hết.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ gia tăng là một tín hiệu tích cực cho ngành gia cầm, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải được tháo gỡ để ngành có thể đáp ứng nhu cầu hiệu quả hơn. Những thách thức này bao gồm xung đột chính trị toàn cầu, thiếu hụt chuyên gia lành nghề, ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và việc thực thi các quy định thiếu cơ sở khoa học. 

Để giải quyết hiệu quả các “chướng ngại vật” này và đảm bảo tăng trưởng bền vững, ngành gia cầm phải có chiến lược tiếp cận toàn diện. Đầu tiên, cần đầu tư vào công nghệ và thực hành chăn nuôi bền vững để nâng cao hiệu quả sản xuất và phúc lợi động vật. Công nghệ tiên phong cho phép người chăn nuôi lựa chọn những con gà khỏe mạnh, sử dụng thức ăn hiệu quả hơn và góp phần tác động tích cực đến môi trường. 

Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng đối với ngành gia cầm. Các công cụ AI xác định và định lượng các dấu hiệu gia cầm bị bệnh, trong khi cảm biến thông minh kết nối với thiết bị phân loại bằng AI giúp phát hiện sớm dịch bệnh và đề ra chiến lược ứng phó cụ thể. Một thiết bị cải tiến khác là thực tế ảo (VR) cũng đã được ứng dụng trong chăn nuôi gia cầm để các bác sĩ thú y có thể chữa trị bệnh cho vật nuôi qua màn hình. 

Chiến lược thứ hai là thu hút các chuyên gia mới nổi vào ngành gia cầm thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu nhưng cần đảm bảo tính minh bạch và hợp tác bền chặt trong toàn bộ chuỗi giá trị gia cầm. Đầu tư vào công nghệ và con người, đồng thời minh bạch hóa và nâng cao nhận thức là điều cần thiết cho sự phát triển của ngành gia cầm hiện tại và tương lai.

Jan Henriksen 

Giám đốc điều hành Hãng gia cầm giống Aviagen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *