(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Vịt có dấu hiệu thở khó, thở nhanh, ủ rũ, ăn ít, gầy, uống nước nhiều, thân nhiệt tăng, tiêu chảy phân sống. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Câu hỏi của Chí Tâm, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Từ những dấu hiệu trên cho thấy có thể vịt đã bị nhiễm bệnh nấm phổi. Bệnh gây ra bởi nấm Aspergillus fumigatus và Mucoraceae, đôi khi có thể do nấm Aspergillus flavus. Bệnh thường xuất hiện khi vịt sống trong điều kiện chuồng trại không bảo đảm vệ sinh. Vịt có thể nhiễm rất sớm ngay trong trạm ấp, chuồng nuôi úm vịt con. Do vịt hít phải bào tử nấm có trong không khí, máy ấp, máy nở, chất độn chuồng. Bào tử nấm xâm nhập vào phổi, túi khí phát triển thành ổ nấm, gây viêm túi khí, viêm phổi và hình thành các ổ nấm trong các phế nang vịt và tiết độc tố gây chết vịt.
Để phòng bệnh này, cần loại bỏ hiện tượng vịt bội nhiễm nấm mốc ngay trong trại ấp, máy ấp, máy nở. Sau mỗi lần ấp nở, sử dụng các hóa chất để khử trùng. Đặc biệt, trấu khi đưa vào nền chuồng cũng cần xử lý tránh nấm mốc. Giám sát chặt chẽ chất lượng thức ăn, không sử dụng thức ăn bị ôi, mốc. Cho vịt ăn theo bữa và định kỳ kiểm tra, dọn vệ sinh toàn bộ hệ thống máng ăn để loại bỏ nấm mốc. Luôn giữ cho chuồng nuôi được thông thoáng, tránh nhiệt độ trong chuồng quá cao cũng là nguyên nhân gây hiện tượng nấm phổi.
Khi vịt bị bệnh, cần tìm và cắt đứt nguồn bệnh, nếu nấm trong chất độn chuồng thì phải thay ngay chất độn chuồng mới, khô, sạch, không nấm mốc. Loại những con mắc bệnh nặng vì điều trị không hiệu quả. Chọn riêng những con có biểu hiện khó thở ra 1 ô để điều trị tích cực và chăm sóc riêng sẽ tốt hơn.
Dùng một trong các loại thuốc sau để điều trị cho gia cầm mắc bệnh: Nistatin, Mycostatin, nếu thuốc thú y thì dùng liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu thuốc Nistatin của nhân y, loại 500.000 UI/viên, dùng 1 viên/2 – 3 kg khối lượng gia cầm, dùng 5 – 7 ngày liên tục tùy mức độ của bệnh (nên cân trọng lượng vịt để tính liều lượng thuốc cho chính xác).
Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho vịt. Khi điều trị bệnh, việc tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, tăng thông thoáng và vệ sinh là điều quan trọng, giúp vịt nhanh hồi phục.
Ban KHKT