Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng và điều trị bệnh suyễn heo

Hỏi: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng và điều trị bệnh suyễn heo?

(Câu hỏi của anh Thái Phiên, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh suyễn heo hay còn gọi là dịch viêm phổi địa phương của heo do Mycoplasma hyopneumonia gây ra.

Triệu chứng:

Thể cấp tính: Triệu chứng chủ yếu là ho và thở. Bệnh phát ra đột ngột, heo ủ rũ, tách khỏi đàn đứng riêng rẽ hoặc nằm một chỗ, con vật hắt hơi từng hồi sau đó ho, hay ho lúc sáng sớm hoặc lúc đi lại để ăn. Sau đó phổi bị tổn thương, con vật biểu hiện khó thở, thở nhanh và nhiều. Heo há mồm để thở, ngồi như chó ngồi để thở, con vật thở dốc, hóp bụng để thở. Có con chảy nước mắt, nước mũi và sùi bọt mép, niêm mạc miệng, mũi, mắt thâm tím do thiếu oxy.

 Thể mạn tính: Con vật ho kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, ho khan, có khi ho giật từng cơn rồi nôn mửa. Khi ho heo đứng một chỗ, lưng cong lên, cổ vươn dài ra, cúi mõm xuống để ho cho đến khi long đờm ra thì cơn ho mới dừng. Heo khó thở nặng. Heo con mắc bệnh ở thể mạn tính thường kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, đi lại chậm chạp, xiêu vẹo, da khô, lông xù, niêm mạc tái nhợt.

Bệnh tích:

Bệnh tích thường gặp ở heo có biểu hiện lâm sàng nặng là con vật gầy, mỡ mỏng, thịt nhão có màu hồng nhạt, xoang ngực và xoang bụng tích nước.

Bệnh tích chủ yếu tập trung ở phổi: Lúc đầu xuất hiện chỉ là những chấm viêm đỏ hoặc xám rồi to dần ra, tập trung lại thành vùng rộng lớn. Bệnh tích biểu hiện đối xứng giữa 2 lá phổi, chỗ viêm có giới hạn rõ với chỗ phổi lành.

Ở các giai đoạn viêm khác nhau, tổ chức phổi bị biến đổi, lúc đầu nơi tổ chức phổi viêm bị cứng, màu đỏ, chuyển sang xám bề mặt bóng láng, trong suốt, bên trong có chất keo. Sau đó chỗ viêm tiếp tục biến đổi có trạng thái như miếng thịt gọi là phổi bị nhục hoá. Cắt nghe sần sật, bóp rất cứng, cắt thấy tổ chức phổi viêm có nhiều bọt, hoại tử. Nếu cắt miếng phổi bị nhục hoá bỏ xuống nước thấy chìm. Khí quản, phế quản viêm có bọt, dịch lầy nhầy màu hồng nhạt, bóp có khi có mủ chảy ra.

Một bệnh tích đặc trưng khác là hạch ở phổi sưng rất to gấp 2 – 3 lần hạch của heo bình thường, hạch thường chứa nhiều mầm bệnh, sưng, mọng nước, thuỷ thũng nhưng không xuất huyết.

Phòng bệnh:

Thường xuyên giữ vệ sinh chuồng trại, tránh ẩm ướt, chuồng ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Hàng tuần phải tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, tất cả dụng cụ chăn nuôi sau khi dùng phải rửa sạch, phơi nắng.

Nhập con giống phải có nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm phòng vắc xin. Heo mua về phải cách ly 1 tháng, theo dõi nghiêm ngặt, nếu không phát hiện triệu chứng mới nhập đàn.

Cho heo ăn đủ, đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần.

Tiêm phòng vắc xin suyễn cho heo.

Điều trị:

Có thể dùng một trong các kháng sinh sau: Tylosin, Tiamulin, Azithromycin… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sử dụng các loại thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho heo như: Vitamin B1, Vitamin C, Men tiêu hóa và thuốc giảm ho, long đờm.

Giữ chuồng trại khô, ráo, ấm ấp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *