Giá lợn hơi duy trì ở mức cao và vẫn đang tiếp tục tăng khiến người nuôi lợn ở Hải Dương phấn khởi.
Liên tục lập đỉnh
Theo khảo sát của phóng viên, từ sau Tết Ất Tỵ đến nay, giá lợn hơi ở Hải Dương liên tục tăng từ 68.000 – 69.000 đồng/kg lên 72.000 – 73.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá mỗi kg lợn hơi đã tăng 19.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi lập đỉnh trong nhiều năm trở lại đây khiến người chăn nuôi trong tỉnh hết sức vui mừng.
Anh Nguyễn Đức Thao, chủ một trang trại ở thôn Mạc Động, xã Liên Mạc (Thanh Hà) vừa bán 200 con lợn thịt. Sau khi trừ chi phí, anh bỏ túi 300 triệu đồng tiền lãi. “Trước Tết nhà tôi bán được 70 con với giá 69.000 đồng/kg đã cảm thấy phấn khởi rồi. Sau Tết, giá lợn hơi xuất chuồng tiếp đà tăng nên càng vui hơn. Nhà tôi còn khoảng 200 con nữa sắp được xuất bán, hy vọng giá bán sẽ giữ được mức ổn định như thế này”, anh Thao cho hay.
Nhiều năm nuôi lợn, chưa năm nào ông Nguyễn Khắc Chức ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) vui như năm nay vì giá lợn hơi tăng mạnh. Ông cho biết từ khoảng tháng 5/2024, giá lợn hơi luôn duy trì ổn định ở mức trên 60.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng khiến ông mạnh tay đầu tư chăn nuôi.
Trang trại của gia đình ông Chức nuôi khoảng 300 con lợn các loại. Từ sau Tết Ất Tỵ đến nay, ông đã xuất bán 30 con lợn thịt, thu lãi 45 triệu đồng. Trang trại của ông hiện còn khoảng 50 – 60 con chuẩn bị được bán. “Giá lợn hơi tăng cao nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ổn định từ tháng 6 năm ngoái đến nay, bình quân từ 320.000 – 330.000 đồng/bao nên người chăn nuôi yên tâm sản xuất”, ông Chức nói.
Một góc trang trại nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Khắc Chức
Khảo sát tại một số trang trại quy mô lớn ở TP Hải Dương, các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng… cho thấy người chăn nuôi đang cùng chung niềm vui vì giá lợn hơi đang ở mức cao. Từ trước Tết Ất Tỵ đến nay, không ít chủ hộ chăn nuôi lợn đã bỏ túi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng tiền lãi.
Anh Nguyễn Văn Hiệp ở huyện Tứ Kỳ là một thương lái chuyên thu mua lợn thịt ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định. Anh cho biết khoảng 4 năm nay, chưa bao giờ giá lợn hơi lại cao như thời điểm hiện tại.
Phân tích về nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian gần đây, anh Hiệp nhận định năm 2024, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, hàng triệu con lợn phải tiêu huỷ. Tổng đàn lợn sụt giảm trong khi nhu cầu thị trường lại lớn nên đã đẩy giá bán lên cao. Dịp Tết vừa qua, nhu cầu về thịt lợn trên thị trường cũng rất lớn nên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
“Từ sau Tết, tôi nhận khá nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh miền Trung, miền Nam nhưng số lượng lợn thịt thu mua được chưa đáp ứng hết nhu cầu”, anh Hiệp thông tin.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) cũng có cùng nhận định như anh Hiệp. Có thể nói, chưa khi nào, người nuôi lợn lại thắng lớn như trong giai đoạn gần đây.
Cẩn trọng
Giá lợn hơi tăng là động lực để người chăn nuôi ở Hải Dương tiếp tục đầu tư tái đàn với quy mô lớn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tùng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương, khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô sản xuất, người chăn nuôi cần cẩn trọng, không nên vội vàng. Việc quan trọng hàng đầu là cần tìm hiểu, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo về thị trường. Việc tái đàn ồ ạt có thể dẫn tới “cung vượt cầu”, giá bán sụt giảm dẫn tới không có lãi hoặc thậm chí thua lỗ.
Chuyên gia cảnh báo nông dân không nên tái đàn lợn một cách ồ ạt dù giá thịt lợn hơi đang duy trì ở mức cao
“Việc tìm hiểu thị trường để thực hiện tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm luôn cần được đặt lên hàng đầu, không chỉ để khôi phục phát triển sản xuất mà còn tạo sự phát triển bền vững trong chăn nuôi vì quan trọng nhất là tạo đầu ra cho sản phẩm”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung, đàn lợn nói riêng rất cao, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để việc tái đàn được thuận lợi, người chăn nuôi cần duy trì vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng vôi bột hoặc các loại hóa chất để phun khử trùng.
Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh cho đàn lợn là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để bảo vệ thành quả sản xuất (ảnh cơ sở cung cấp)
Người chăn nuôi cần nhập con giống từ cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Con giống cần nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình hình sức khỏe. Tuyệt đối không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh lây lan dịch bệnh.
Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng, nước uống cho đàn lợn. Trong những ngày rét, người chăn nuôi cần chú ý sưởi ấm, nhất là vào ban đêm, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn lợn. Thường xuyên theo dõi, quan sát vật nuôi, khi thấy những hiện tượng bất thường như sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở… phải nhanh chóng nuôi nhốt cách ly, kiểm tra, theo dõi, điều trị và báo cho cán bộ thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời.
Bình Minh
Nguồn: Báo Hải Dương