Ông Lê Văn Hòa (ở phường 9, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là chủ nhiều trang trại nuôi gà đẻ công nghiệp có quy mô lớn nhất và theo quy trình khép kín tại tỉnh Tiền Giang với hơn 600 nghìn con. Dù rất tiết kiệm chi phí đầu vào, chi phí chăn nuôi, cộng hưởng thêm nguồn thu nhập từ chế biến phân gà bán thương phẩm nhưng với giá trứng gà công nghiệp giảm mạnh như hiện nay, ông vẫn bị thua lỗ vài trăm đồng/quả trứng.
Ông Hòa tâm tư: “Hiện tại, trại chăn nuôi gà đẻ đang bị lỗ nặng, bình quân giá trứng loại to nhất là 1.650 đồng/quả, trứng nhỏ là 1.500 đồng/quả; trong khi đó giá thành khoảng 1.800 đồng đến 1.950 đồng/quả. Hiện nay, người dân nuôi lỗ nên dẹp chuồng nhiều lắm. Mình bán trứng trực tiếp cho siêu thị luôn mà còn chịu không nổi. Đưa vô siêu thị bây giờ phải chiết khấu khuyến mãi, bao bì… mà giá hiện tại bán ra cực thấp, công nợ từ một tháng đến bốn mươi lăm ngày chịu không nổi. Nói chung giá trứng giảm cũng do nhập trứng nhiều, thứ hai là người nuôi tăng đàn, các công ty nuôi gà thịt trước đây bị lỗ nhiều nên gần đây chuyển qua gà đẻ. Khi lượng gà đẻ trứng nhiều quá, dồn nên bị thừa”.
Đàn gia cầm của tỉnh Tiền Giang dẫn đầu vùng ĐBSCL
Không chỉ trứng gà sụt giảm sâu mà gà thịt cũng nằm ở mức thấp. Lo ngại nhất là gà tre giá chưa đến 50 nghìn đồng/kg, trong khi đó giá thành nuôi trên 60 nghìn đồng/kg.
Tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo có đàn gà tre khoảng 800 nghìn con; trong đó có 100 nghìn gà đẻ trứng. Hiện nay, giá sụt giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn, thuốc thú y ở mức cao nên người chăn nuôi gà đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Lê Hữu Dụng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt chia sẻ “Ở đây gà tre giá rẻ quá, giá có bốn mươi mấy đến năm chục nghìn đồng/kg, nông dân bị lỗ, nếu giá 60 nghìn đồng/kg mới bằng vốn. Người dân lỡ nuôi rồi, phải theo luôn chứ biết làm sao giờ, phải nợ đại lý bán thức ăn. Mình đâu có biết được tương lai ra sao, bây giờ đề xuất làm sao cho giá cả tăng lên chút đỉnh để người dân có lợi nhuận, xã cũng khuyến cáo người dân duy trì đàn, chờ giá lên”.
Trứng gà các loại đang rớt giá thê thảm nhất
Giá trứng gà và gà thịt các loại tại tỉnh Tiền Giang rớt mạnh không chỉ làm cho người trực tiếp chăn nuôi thua lỗ nặng mà doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn MYXSO VinaSEC, Phó giám đốc công ty TNHH thương mại Chăn nuôi Hoàng Gia Huy, tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo – doanh nghiệp vừa chăn nuôi vừa liên kết với 50 hộ chăn nuôi trên 400 nghìn con gà ác có từ khâu thức ăn, con giống, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm trứng cho biết, khoảng một năm nay nghề sản xuất, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm giá cầm rất khó khăn. Nguyên nhân chính là do “cung vượt cầu”, nhất là mặt hàng trứng gà sản lượng lớn, tiêu thụ chậm.
Ông Nguyễn MYXSO VINASEC cho biết thêm: “Hiện tại, thị trường trứng gà ác khá chậm do các loại trứng gà công nghiệp, gà Ai Cập, trứng vịt dư rất nhiều “cung đang vượt cầu” nên ảnh hưởng đến giá trứng gà ác. Giá trứng này thì người chăn nuôi đang lỗ từ 300-400 đồng/quả. Tình hình từ nay đến Tết có xu hướng do nhu cầu của người có tăng nhưng giá trứng gà khó tăng được, thịt gà ác cũng tiêu thụ rất chậm”.
Ở thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm trên 17 triệu con; trong đó đàn gà ác có khoảng 04 triệu con, chiếm gần 20% tổng đàn gia cầm của tỉnh. Mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung nhiều ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Châu thành và phố Mỹ Tho.
Ở nhiều vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang người chăn nuôi gà đang trong tình cảnh” tiến thoái lưỡng nan”.
Gần đây, doanh nghiệp và hộ nuôi gia cầm ở tỉnh Tiền Giang đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhân rộng mô hình an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí chăn nuôi… Tuy nhiên do ảnh hưởng của thị trường, giá cả sụt giảm đã làm cho hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi gia cầm không cao, thậm chí thua lỗ nặng.
Người chăn nuôi gà tại tỉnh Tiền Giang đang đứng bên bờ phá sản vì không thể kéo dài tình trạng thua lỗ tiếp diễn, rất mong các cấp chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp ổn định giá gia cầm và các sản phẩm gia cầm để “cứu vãn” đàn gà tại địa phương này.
Nhật Trường