“Gia đình có 5 trại nuôi gà thì 3 trại trống, 1 trại đang bán, còn 1 trại chưa bán được” – bà Triệu Thị Đua, người có nhiều kinh nghiệm nuôi gà ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho biết. Từ sau đại dịch Covid-19, các nông hộ ở thị xã Bình Long liên tục gặp khó khăn khiến họ khó trụ vững với nghề nuôi gà vốn có tiếng tại Bình Phước.
Chuồng nuôi vắng vẻ
Từ sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, người nuôi gà trên địa bàn tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Thêm vào đó, giá gà giảm khiến người nuôi không muốn bán, người bán được rồi thì không muốn tái đàn vì thu không đủ chi.
Rất nhiều chuồng nuôi gà của người dân ở xã Thanh Lương, TX. Bình Long đã bị bỏ hoang
Ở các vùng chăn nuôi gà của thị xã Bình Long, thời điểm này, khá nhiều hộ dân lựa chọn “treo” chuồng. Giá gà Cao Khanh bán ra đang ở mức từ 45 – 47 ngàn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” khiến người nuôi không muốn tái đàn hoặc chỉ tái đàn cầm chừng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long vừa xuất khoảng 2.000 con gà với giá 47 ngàn đồng/kg. Theo chị, dù giá thấp nhưng bán được gà đã là may mắn. Chị cho biết: “Giá cám, nguyên vật liệu đều tăng, thuốc cũng tăng nhưng mình xuất ra giá thấp nên gặp nhiều khó khăn. Càng nuôi kéo dài thì càng tốn nhiều chi phí chăn nuôi, rồi dịch bệnh”.
Thông thường, khi trọng lượng gà đạt khoảng 2kg/con, người nuôi sẽ xuất bán và chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo. Tuy nhiên, do giá gà đang thấp nên nhiều hộ chưa muốn bán. Song gà có trọng lượng lớn hơn lại không được thương lái lựa chọn, sức cạnh tranh trên thị trường giảm. Không chỉ vậy, người nuôi gà còn gặp phải cạnh tranh từ các công ty thức ăn công nghiệp lớn. Bởi hiện nay, đa phần các công ty này đều xây dựng mô hình chăn nuôi riêng, sử dụng nguồn thức ăn tự sản xuất nên giá gia cầm bán ra rẻ hơn so với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Hộ bà Triệu Thị Đua đồng thời cũng là đại lý phân phối thức ăn gia cầm cho các hộ chăn nuôi trong vùng nhưng bà cho biết, ngay cả gia đình bà cũng khó tiếp tục duy trì với nghề trong tình hình hiện nay. “Giá cám cao quá nên người chăn nuôi mua tiết kiệm, bán ra được ít lắm. Mình đại lý nhỏ nên ai quen thân mới dám cho “gối đầu”” – bà Đua chia sẻ.
Mong ổn định chi phí đầu vào
Chi phí thức ăn chiếm từ 65 – 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến người chăn nuôi có thể lỗ từ 15 – 20 triệu đồng trên tổng đàn 1.000 con. Nếu không có giải pháp kiềm giảm giá thức ăn, các hộ chăn nuôi sẽ không thể tiếp tục cầm cự.
Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long, đàn gà trên địa bàn thị xã đã giảm khoảng 30% số lượng. “Sau đại dịch Covid-19, khó khăn chồng chất, người chăn nuôi hầu như chỉ lỗ nên phải giảm đàn; phần nữa là do thiếu vốn” – ông Hoàng cho biết.
Đa phần hộ chăn nuôi sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất hoặc gối đầu thức ăn chăn nuôi của các đại lý. Tuy nhiên, nợ gối đầu cũng được các đại lý cân nhắc rất kỹ tùy mức độ thân quen, uy tín và cả tiềm lực kinh tế. Khi thua lỗ kéo dài, nguồn vốn ngày càng cạn kiệt, người chăn nuôi khó chuyển đổi sang các mô hình kinh tế khác. Không chỉ vậy, việc phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, giảm các chi phí trung gian cũng không thể thực hiện được. Thế nên, giải pháp trước hết mà các hộ chăn nuôi mong muốn chính là ổn định chi phí đầu vào để có thể tiếp tục duy trì và gắn bó với nghề.
Thu Thảo