Nắm bắt nhu cầu gà trống để cúng vào dịp cuối năm, nhiều gia trại, trang trại nuôi gà trong tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư tăng đàn gà trống để bán Tết.
Là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô chỉ khoảng 200 – 300 con gà/lứa, chủ yếu bán cho bà con trong làng, trong xã, mỗi năm, bà Nguyễn Thị Cúc (xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương) chia làm 2 lứa vào đàn. Lứa đầu năm chủ yếu bán gà ăn nên bà ưu tiên gà mía, gà ri, gà cỏ, trong đó, tỷ lệ gà mái nhiều hơn gà trống; lứa gà cuối năm (khoảng tháng 7 âm lịch vào đàn) thì tỷ lệ gà trống chiếm ưu thế 80%.
Chăn nuôi quy mô nông hộ, thời điểm này, gia đình bà Nguyễn Thị Cúc vào đàn gà trống theo lứa để cung ứng thị trường cuối năm. Ảnh: T.P
Bà Cúc cho biết: “Cuối năm chủ yếu bán gà làm cỗ cúng, lễ lạt nên người dân chủ yếu dặn đặt gà trống. Do đó, 250 con vào đàn đợt này, tỷ lệ gà mái chỉ khoảng 20%, còn lại là gà trống”.
Từ giữa tháng 8, anh Lê Hoàng, chủ một trang trại gà ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) đã chuẩn bị chuồng trại, tiêu độc, khử trùng các mầm bệnh. Sau đó, chọn 3.000 gà trống giống về nuôi theo mô hình bán hoang dã, thả rông trong vườn.
Trước khi vào đàn, gà được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng dịch. Ảnh: T.P
Khác với gà thịt, gà trống để cúng là giống gà mía hoặc gà Liên Minh, có đặc điểm là bộ lông đẹp, chân vàng, mào đỏ và to… phù hợp với tiêu chí lựa chọn gà cúng truyền thống của người dân.
Anh Hoàng cho biết, nuôi gà trống cúng khó hơn nuôi gà thịt thông thường vì tất cả con giống phải là gà trống, nên thường xảy ra việc gà chọi nhau làm hư bộ lông, mào gà. Vì vậy, phải sắp xếp khu vực chuồng hợp lý, thức ăn, nước uống luôn đầy đủ để hạn chế các con gà trống tranh giành nhau. Bù lại, cùng thời gian nuôi nhưng gà trống có trọng lượng nặng hơn gà mái, giá bán cũng cao hơn.
Cuối năm, nhu cầu gà trống làm cỗ cúng rất cao, giá bán vì thế cũng tăng theo. Ảnh: T.P
“Cuối năm, nhu cầu gà trống cao, dễ bán và giá bán cao nên cứ vào đàn lứa này thì tỷ lệ gà trống chiếm ưu thế, 90-100%. Lứa gà này, thời gian nuôi kéo dài hơn gà thịt thông thường, khoảng 4 – 5 tháng. Đàn gà 3.000 con thì chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng. Vào dịp cuối năm, giá gà cúng dao động 90.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 – 120 triệu đồng”, anh Hoàng cho biết.
Theo quan niệm của người Việt, gà trống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, trong hầu hết các lễ nghi tín ngưỡng đều có vật phẩm là gà trống, nhất là dịp lễ, tết cuối năm: Rằm tháng Mười, Tết ông Công ông Táo, tất niên, Tết Nguyên đán và tiếp đó là lễ Khai hạ, Rằm tháng Giêng…
Giống gà trống được chọn nuôi phục vụ thị trường Tết phải có mào đẹp, trổ mã, lông mượt, chân vàng. Ảnh: T.P
Nhu cầu tăng cao, giá gà vào những dịp này cũng tăng theo, do đó, những năm gần đây, nhiều gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, từ nuôi gà thịt thông thường sang nuôi gà trống vào dịp cuối năm để cung ứng cho thị trường.
“Các gia trại, trang trại nuôi gà thịt thường cơ cấu theo nhu cầu thị trường của từng thời điểm trong năm. Đầu năm, trong tổng đàn, tỷ lệ gà mái khoảng 60%, gà trống 40%, cuối năm thì gà trống 80 – 90%, gà mái 10 – 20%. Trong đó, tập trung vào các giống gà đẹp mã để phục vụ thị trường Rằm, lễ Tết cuối năm, vừa dễ tiêu thụ, giá bán cao. Vì thế, đại lý gà giống của chúng tôi cũng cung ứng con giống theo nhu cầu của các hộ chăn nuôi, nhập về giống gà trống đẹp mã, phẩm chất thịt ngon, cân nặng vừa phải để cung ứng cho dân”, anh Trần Văn Đảm – chủ một đại lý gà giống ở huyện Đô Lương cho biết.
Giá gà trống giống đắt hơn giá gà mái. Ảnh: T.P
Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, gà trống tơ cúng thường là giống gà mía, gà Liên Minh với ưu điểm có bộ lông đẹp, chân vàng, mào cao, to và đỏ đậm. Để gà săn chắc, thịt thơm ngon, ngoài sử dụng cám công nghiệp thì cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác như rau, cám, lúa, ngô… Để gà có mào đỏ, bật cựa, mượt lông, mã đẹp thì nhiều hộ còn bổ sung một số loại thảo dược sẵn có trong vườn như: húng quế, sả, gừng, tía tô, cỏ mần trầu…
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An