Dịp Tết Giáp Thìn 2024, một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ để phục vụ nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Sau Tết, các hộ, cơ sở chăn nuôi đang tất bật tái đàn gia súc, gia cầm.
Bắt tay ngay vào vụ mới
Sau khi lứa gà phục vụ Tết Nguyên đán được xuất bán, các thành viên của Hợp tác xã Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà) đã nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, phun thuốc khử trùng. Đợt này hợp tác xã dự kiến nuôi khoảng 80.000 con gà, tương đương các vụ khác trong năm. Giá thức ăn chăn nuôi đã “hạ nhiệt” là một trong những thuận lợi cho các hộ chăn nuôi thúc đẩy phát triển sản xuất.
Hiện mỗi tháng, Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) cung cấp từ 400 – 500 con lợn giống ra thị trường. Hiện nay, giá lợn giống khoảng 1,5 triệu đồng/con (trọng lượng 7 kg), giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, công ty có khoảng 4.000 con lợn hậu bị.
Sau Tết, ông Đào Văn Nho ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) cũng tập trung tái đàn vật nuôi. Hiện nay, trang trại nuôi lợn của ông Nho duy trì từ 60 – 70 con lợn thịt và 10 con lợn nái.
Chú trọng phòng chống dịch bệnh
Theo anh Phạm Đình Dừa, Công ty TNHH Giống gia cầm Dừa Quyên ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc), hiện mỗi ngày công ty cung cấp ra thị trường khoảng 7.000-8.000 con gà giống để đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi, chủ yếu tiêu thụ tại các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh. Trước khi xuất bán ra thị trường, gà giống 1 ngày tuổi đều được tiêm phòng vaccine.
Các hộ chăn nuôi cần định kỳ tiêm phòng các loại vaccine, ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh (ảnh tư liệu)
Với quy mô chuồng trại rộng 15.000 m2, Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy cũng luôn chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học.
Đối với hộ chăn nuôi như ông Đào Văn Nho, trước khi tái đàn, ông sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, ông thường xuyên sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch nền, vách tường, chuồng nuôi, định kỳ phun khử trùng chuồng trại.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các hộ, cơ sở chăn nuôi cần nghiên cứu kỹ thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở quy mô hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện ổn định. Công tác phòng trừ dịch bệnh được quan tâm. Tuy nhiên do đang trong thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm lớn, các hộ, cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn cần phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Năm 2024, ngành chăn nuôi Hải Dương phấn đấu giá trị sản xuất tăng từ 3,5% trở lên so với năm 2023. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30% giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp. Tổng đàn trâu bò của toàn tỉnh phấn đấu đạt 20.500 con, đàn lợn đạt 450.000 con, đàn gia cầm đạt 16,8 triệu con và phấn đấu sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 145.250 tấn. Trong đó, thịt lợn 70.900 tấn, thịt gia cầm 71.900 tấn, thịt trâu bò 2.700 tấn.
Huyền Trang
Nguồn: Báo Hải Dương