Nghịch lý thức ăn chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Dù là quốc gia nông nghiệp, nhưng 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam chi hơn 4,6 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao giá TĂCN liên tục tăng cao trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước một cách căn cơ, bài bản.

Phát triển nhanh chóng…

Tham gia vào thị trường muộn nhưng ngành TĂCN Việt Nam đã có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2011, cả nước có 233 cơ sở sản xuất TĂCN, tổng công suất thiết kế đạt 16,1 triệu tấn, đến năm 2019 có 264 cơ sở, tổng công suất thiết kế đạt 40,5 triệu tấn. Tính chung giai đoạn 2011 – 2019, số lượng cơ sở sản xuất TĂCN mới chỉ tăng 13,1% (tương đương 1,48%/năm) nhưng công suất thiết kế đã tăng 151,6% (tương đương 16,8%/năm), trong đó số nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ lệ 32%.

Sản lượng sản xuất TĂCN trong cả nước không ngừng gia tăng. Năm 2011 sản lượng TĂCN đạt 11,5 triệu tấn, đến năm 2019 đã tăng lên 19 triệu tấn.

thức ăn chăn nuôi

Sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu – Ảnh: Alltech

Công nghệ chế biến ngành TĂCN Việt Nam ngày càng phát triển. Phần lớn các dây chuyền sản xuất TĂCN được đầu tư thuộc thế hệ mới và có xuất xứ từ các nước phát triển như: Châu Âu, Mỹ. Hiện, khoảng 80% số lượng cơ sở sản xuất TĂCN có dây chuyền sản xuất tự động, bán tự động; Chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao.

 

… nhưng phụ thuộc nguyên liệu

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, TĂCN ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, bởi đây là yếu tố chiếm tới 65 – 70% trên tổng chi phí. Mỗi năm ngành chăn nuôi và thủy sản trong nước cần tới 32 – 33 triệu tấn TĂCN các loại. Trong đó, hơn 7 triệu tấn do bà con nông dân tự sử dụng nguyên liệu có sẵn phối trộn để cho gia súc, gia cầm ăn, không phải dùng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Còn lại tổng sản lượng 26 triệu tấn gồm TĂCN và thủy sản để phục vụ cho lượng lớn sản phẩm chăn nuôi, để từ đó cung cấp cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu một sản lượng lớn, khoảng gần 20 triệu tấn nguyên TĂCN, chủ yếu là bắp, đậu nành, cám mì, bã ngô… về làm TĂCN.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 Việt Nam chi tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu TĂCN và 11 tháng đầu năm 2021 là 4,6 tỷ USD, tăng 31,4% so cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết: “Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu TĂCN của nước ta lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 – 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm TĂCN, trong khi nhu cầu hằng năm cần tới 26 – 27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mì, dầu động, thực vật (vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam). Khi giá nguyên liệu TĂCN nhập khẩu gia tăng thì giá thành sản xuất và giá bán TĂCN thành phẩm lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá TĂCN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so hàng nhập khẩu cùng loại”.

Theo các hộ chăn nuôi, trong năm 2021, giá các loại TĂCN đã tăng tới 9 lần, trong khi giá heo hơi, gia cầm xuất chuồng có thời điểm xuống đáy. Thực trạng này khiến người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ và đứt gãy chuỗi sản xuất. Do đó, rất cần có những giải pháp cấp thiết và hữu hiệu để ngành chăn nuôi Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất TĂCN hiện đại, không phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên liệu, từ đó có thể chủ động ứng phó với những rủi ro bất thường và phát triển bền vững.   

>> Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực về sản lượng TĂCN công nghiệp. Tuy nhiên, ngành TĂCN công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. 

         Hạnh Nguyên – Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *