Từ giữa tháng 2 đến nay, giá trứng gà liên tục giảm. Đặc biệt, đầu tháng 3, giá trứng giảm mạnh khiến người nuôi gà đẻ thua lỗ.
Giá trứng giảm mạnh
Với quy mô trên 17.000 con gà đẻ, mỗi ngày, trang trại của ông Trần Xuân Sơn ở xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) thu về 13.000 – 15.000 quả trứng cung ứng ra thị trường, từ ra Tết đến nay, giá trứng giảm sâu khiến ông lỗ nặng.
“Giá trứng giảm mạnh, trung bình mỗi quả trứng đầu tư hết khoảng 2.100 đồng, trong khi giá bán chỉ 1.700 – 1.800 đồng/quả, mỗi quả lỗ 400 đồng”, ông Sơn cho biết. Cũng theo ông Sơn, giá trứng phải ở mức 2.200 đồng trở lên thì người nuôi mới có lãi.
Giá trứng giảm sâu, mỗi quả trứng người nuôi phải bù lỗ đến 400 đồng. Ảnh: T.P
Hơn 1 tháng nay, gia đình bà Phạm Thị An – chủ trại gà 3.500 con ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) cũng lâm vào cảnh thua lỗ nặng khi giá trứng gia cầm giảm sâu. Trung bình mỗi ngày, với 2.500 quả trứng được bán ra thị trường, bà phải bù lỗ hơn 1 triệu đồng, đó là chưa phải trả chi phí nhân công do có 2 lao động trong nhà chăm sóc đàn gà.
Hiện, lượng trứng tồn kho ở các trang trại khá lớn. Ảnh: T.P
Mặc dù đã liên kết với 22 cửa hàng, chuỗi siêu thị và trường học để chủ động đầu ra, song 50% sản lượng trứng của trang trại gà ác Thắng Linh ở xã Nghi Văn (Nghi Lộc) vẫn phụ thuộc vào các chợ dân sinh và bán lẻ. Do đó, khi thị trường biến động, giá trứng giảm sâu thì 50% lượng trứng tiêu thụ ở chợ vẫn phải gánh lỗ 1.100 đồng/quả.
Anh Nguyễn Hữu Thắng – chủ trang trại cho biết: “Đối với 50% lượng trứng (5.000 quả/ngày) có liên kết tiêu thụ thì giá ổn định. Còn 50% bán lẻ là chịu lỗ. Cũng may, số trứng liên kết tiêu thụ đã bù lỗ cho số trứng còn lại”.
Giá trứng không những giảm mạnh mà thị trường tiêu thụ còn chững lại. Trong khi đó, thời tiết nồm ẩm khiến trứng không thể bảo quản được lâu nên người chăn nuôi gà đẻ như “ngồi trên đống lửa”. Ngoài nhập cho các bếp ăn tập thể, các đại lý, các quán tạp hoá, bỏ mối ở các chợ dân sinh thì nhiều trang trại phải huy động nhân công đi bán lẻ.
“Ở các chợ, trứng cũng khó tiêu thụ dù giá đã giảm mạnh, bởi chợ phục vụ quán ăn, quán nhậu và bữa cơm gia đình. Thời điểm này, quán ế ẩm, vắng khách nên lấy hàng cầm chừng; thời tiết mát mẻ thuận lợi để gà đẻ trứng nên nhiều gia đình nuôi vài ba con gà đẻ là đã tự túc được nguồn trứng thực phẩm. Do đó, sức mua trứng gia cầm giảm mạnh”, chị Đinh Thị Hồng Loan – chủ quầy hàng trứng gia cầm ở chợ Vinh cho biết.
Trước Tết, giá trứng gà còn ở mức 2.500 – 2.700 đồng/ quả (tuỳ loại) nhưng sau Tết, giá trứng liên tục giảm. Hiện nay, trứng gà trắng 1.700 đồng/quả và gà đỏ 1.500 đồng/quả, tính ra, mỗi quả trứng giảm 700 – 1.000 đồng.
Nguyên nhân nào?
Nguyên nhân giá trứng gia cầm giảm mạnh thời điểm này là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công ty chưa hoạt động hết công suất nên lượng công nhân tập trung ít, bếp ăn tập thể giảm mạnh lượng tiêu thụ.
Thứ hai, trứng gia cầm chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất bánh kẹo, sau Tết, các công ty chưa tăng tốc sản xuất mà chủ yếu đang bán hàng tồn kho.
Thứ ba, người dân đang còn lượng thực phẩm Tết chưa sử dụng hết nên nhu cầu mua trứng giảm.
Thứ tư, bắt đầu từ 25 Tết, trứng bắt đầu ùn ứ nên lượng trứng ở trong các trại tồn kho quá lớn, trong khi đó, hàng ngày gà vẫn đẻ nên “cung” vượt quá “cầu”.
Cùng với đó, hiện tượng thời tiết nồm ẩm, hầu hết trang trại chăn nuôi nhỏ không có kho lạnh bảo quản nên phải xuất bán ồ ạt… “Trứng rất khó bảo quản. Nhất là thời tiết nồm ẩm như hiện nay thì rất dễ hư hỏng. Do đó, nếu để tồn đọng thì phải có kho bảo quản trứng đặc thù bằng kho lạnh. Tuy nhiên, không phải trang trại nào cũng có kho lạnh”, ông Trần Xuân Sơn cho biết.
Ở các chợ dân sinh, việc tiêu thụ trứng gia cầm gặp không ít khó khăn. Ảnh: T.P
“Thời điểm sau Tết thường thì giá trứng có giảm và sức mua cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, đợt này thì giá trứng giảm khá sâu trong khi chi phí đầu vào lại tăng nên rất nhiều trang trại vấp phải cảnh thua lỗ, có những trang trại buộc phải giảm đàn để giảm chi phí, giảm nhân công và “cắt lỗ”, ông Đậu Ngọc Hoà – Giám đốc HTX Chăn nuôi Diễn Trung (Diễn Châu) cho biết.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết cùng biến động của thị trường tiêu thụ khiến ngành chăn nuôi gia cầm (trong đó có sản phẩm trứng) gặp nhiều rủi ro. Do đó, để chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng phát triển ổn định, người chăn nuôi cần đầu tư đồng bộ từ xây dựng chuồng trại đến kho bảo quản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm ổn định. Việc này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi mà còn giúp các trang trại giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường…
Đồng thời, các địa phương cần xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ hợp tác xã, người dân đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm với doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…
Thanh Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An