Liên tiếp từ năm 2021 đến nay, giá trâu, bò thịt trên đà lao dốc, đặc biệt từ 2 tháng nay, trâu bò rớt giá thảm khiến các trang trại thua lỗ. Hoạt động mua bán trâu, bò của các thương lái (Đô Lương) vì thế cũng cầm chừng.
Tin liên quan:
Giá trâu, bò “chạm đáy”
Cao điểm, trang trại ông Hồ Sỹ Điều (xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hoà) nuôi 1.500 con bò đực sữa lấy thịt, vài chục con trâu, vài chục con bò lai-sind. Thế nhưng, hai năm gần đây, khi giá trâu bò xuống thấp, ông giảm dần quy mô; trước đây có khoảng 1.500 con, nay chỉ dám nuôi khoảng 600 con, riêng trâu và bò lai-sind thì dừng hẳn.
Do giá bò thịt xuống thấp nên trại của ông Điều giảm dần quy mô. Ảnh: Hoài Thu
Ông Hồ Sỹ Điều cho biết: “Bình thường, giá bò lên đến 11-12 triệu đồng/tạ, giá bò đực sữa 9 triệu đồng/tạ; năm ngoái, giảm khoảng 30% xuống còn 7-8 triệu đồng/tạ và nay chỉ còn 5-5,5 triệu đồng/tạ. Giá trâu thịt theo đó cũng giảm mạnh, đến thời điểm tháng 8/2023, giá trâu hơi chỉ còn 55 – 60 ngàn đồng/kg tuỳ theo chất lượng, nguồn gốc trâu. Trâu bò rớt giá thảm hại, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao nên các trang trại chăn nuôi trâu, bò đều thua lỗ nặng”.
Trâu thịt cũng giảm giá mạnh. Ảnh: Thanh Phúc
Chăn nuôi bò vỗ béo với thâm niên hơn 20 năm nay song chưa bao giờ ông Nguyễn Công Trung ở thị trấn Lạt (Tân Kỳ) trải qua giai đoạn khó khăn như 2 năm nay. Ngoài việc giá bò xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng thì việc tìm đầu ra cho bò thịt không hề dễ.
“60 con bò thịt, nếu như trước đây, cứ đến kỳ xuất chuồng thì chỉ cần gọi điện cho thương lái, họ đến bắt và trả ngay tiền tươi. Còn năm ngoái lại nay, giá bò “chạm đáy” chỉ còn bằng một nửa so với trước mà việc tiêu thụ cũng khó khăn. Đợt hạn vừa rồi, thức ăn xanh khan hiếm, thức ăn ủ chua cũng cạn, bò đã quá trọng lượng mà liên hệ mãi vẫn không có thương lái đến mua. Cuối cùng, gia đình phải mổ thịt bớt, bán lẻ ra thị trường”, ông Trung cho biết.
Không chỉ có gia đình ông Trung mà gần 20 hộ chăn nuôi trâu, bò giống ngoại vỗ béo theo hình thức trang trại, quy mô lớn cùng hơn 100 gia trại có chăn nuôi bò ở huyện miền núi Tân Kỳ nay cũng đang đứng ngồi không yên, khi giá trâu bò chạm đáy, khó tiêu thụ.
Lái buôn trâu, bò gặp khó
Giá trâu bò giảm không chỉ khiến người chăn nuôi thua lỗ mà những người làm nghề lái buôn trâu bò ở Đại Sơn, Trù Sơn, Hiến Sơn (Đô Lương) và một số địa phương ở Tân Kỳ gặp không ít khó khăn. Đã hơn một năm nay, không khí “làm nghề” của các hộ chuyên buôn bán trâu bò lâu năm ở xóm 1, xã Đại Sơn (Đô Lương) không còn nhộn nhịp như trước đây.
“3 năm trở về trước, giá trâu bò ở mức cao, buôn bán thuận lợi. Nhưng hơn một năm nay, trâu bò giá giảm nhưng lại khó tiêu thụ nên những lái buôn như chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Và những người làm nghề vận chuyển trâu bò cũng vậy, những chuyến xe chở “hàng” đi khắp các địa phương trong nước, xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc cũng giảm mạnh” – ông Lê Văn Nga, xóm 1, xã Đại Sơn cho biết.
Hoạt động buôn bán trâu bò cũng chững lại, nhiều lái buôn gặp khó khăn. Ảnh: Hoài Thu
Dẫn chứng thêm về điều này, ông Nga cho biết: “Bình thường ở Đại Sơn ngày cũng như đêm luôn có hàng dài các xe tải chở trâu bò đi và đến, nhất là những ngày sát phiên chợ Ú. Nhưng hiện nay, lượng xe ra vào các điểm đầu mối buôn bán trâu bò giảm còn khoảng một nửa. Ở xóm 1, xã Đại Sơn, những hộ làm nghề buôn bán trâu bò đều có từ 1 đến 2, thậm chí 3 xe tải chở trâu bò chạy thường xuyên. Mỗi ngày một chuyến xe chở khoảng 60 con trâu bò đi nhập ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, thậm chí sang Lào, Trung Quốc qua các cửa khẩu đều đặn mỗi tháng 5 – 8 chuyến. Song hiện nay giảm xuống chỉ còn một nửa số chuyến hàng”.
Nhiều hộ buộc phải giết mổ để bán lẻ ra thị trường. Ảnh: Thanh Phúc
Anh Lê Trần, một thương lái chuyên buôn bán trâu, bò giữa Nghệ An đi Phú Yên và các tỉnh phía Nam cho biết, đã hơn nửa năm nay giá trâu, bò giảm sâu nên những người làm nghề như anh đang hoạt động cầm chừng. “Trước đây, mỗi tháng tôi chạy khoảng 6 chuyến xe buôn bán trâu bò từ Nghệ An vào Phú Yên và ngược lại, xe lúc nào cũng có “hàng” với mỗi xe khoảng 55 – 60 con bò. Nay giá trâu bò giảm, ế hàng nên mỗi tháng tôi chỉ chạy 2 – 3 chuyến và vốn thì do 7 -8 người cùng chung (thay vì 1 – 2 người như trước đây), xem như giúp nhau góp vốn cầm cự với nghề”.
Lý giải nguyên nhân giá trâu bò giảm mạnh, kéo dài và chưa có dấu hiệu tăng, anh Lê Trần cho biết: “Ngoài nguyên nhân Trung Quốc một thời gian dài gần như không nhập khẩu trâu bò, thịt trâu bò thì thời gian gần đây, lượng trâu bò từ Thái Lan ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam với giá thấp hơn nên thương lái trong nước thua lỗ. Hiện nay, bò có nguồn gốc Thái Lan tại thị trường Việt Nam giá chỉ khoảng 48 -50 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá trâu bò nội địa có khi gần chục giá”.
Các trang trại giảm đàn, nhiều trang trại “treo chuồng” hoặc chuyển đổi vật nuôi. Ảnh: Thanh Phúc
Từ việc thị trường trâu bò giảm sâu, thương lái giảm số lượng thu mua trong thời gian dài nên người dân cũng không mặn mà đầu tư nuôi trâu bò. Người dân giảm đàn mạnh hoặc “treo chuồng” chờ thị trường phục hồi, một số hộ chuyển đổi sang các vật nuôi khác.
“So với những vật nuôi khác, nuôi trâu, bò cần nguồn vốn khá lớn. Một con bò sinh sản có giá từ 35-40 triệu đồng, nếu chăn nuôi quy mô lớn cần đầu tư hệ thống chuồng trại, bãi cỏ… lên đến cả tỷ đồng. Vì thế, người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh mong muốn Nhà nước có cơ chế hạn chế nhập khẩu thịt bò, kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu thịt qua đường tiểu ngạch để bảo hộ việc chăn nuôi trong nước.
Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ về lãi suất tại các ngân hàng cho người vay vốn đầu tư vào chăn nuôi để vượt qua khó khăn. Ngoài ra, cần có định hướng rõ ràng, đưa thông tin thị trường tới người chăn nuôi”, ông Hồ Sỹ Điều, chủ trang trại ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hoà cho biết.
Phúc – Thu
Nguồn: Báo Nghệ An