Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại nhiều địa phương. Dịch đang có tại Diễn Châu và Yên Thành. Tuy nhiên, các ổ dịch xảy ra tại các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện tái phát tại một số xã ở Diễn Châu và Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Diễn Thái (Diễn Châu) là địa phương nhiều ngày nay xuất hiện khá nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà Đinh Thị Trang – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong sáng nay (5/10), một hộ dân ở xóm 8 đã báo có 1 con lợn nái bị chết. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo xóm tiến hành tiêu huỷ, bởi hiện tại trên địa bàn xã đang có nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các xóm: 1,2, 3, 7, 9 và Tân Nam.
Xã Diễn Thái đã chủ động mua 1 tấn vôi bột để phục vụ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
“Từ tháng 9 đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều ổ dịch, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đã tiêu huỷ 17 con lợn bị nhiễm dịch. Để phục vụ công tác phòng chống dịch, xã đã chủ động mua 45 lít hoá chất và 1 tấn vôi bột, đồng thời mở lớp tập huấn về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Toàn bộ hoá chất là vôi bột đang được phân phát cho các xóm thực hiện các giải pháp vệ sinh môi trường. Hiện nay, tổng đàn lợn của địa phương còn hơn 400 con”, bà Đinh Thị Trang cho hay.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Diễn Châu, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 14 xã tái phát dịch này, tổng số lợn phải tiêu huỷ 175 con. Hiện tại vẫn còn 4 xã đang xảy ra dịch là Diễn Thái, Diễn Nguyên, Minh Châu và Diễn Lợi.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III về mẫu bệnh phẩm lợn của gia đình bà Trần Thị Lan, xã Phúc Thành. Ảnh: Xuân Hoàng
Yên Thành là địa phương cũng đang có dịch tả lợn châu Phi tái phát tại một số xã. Đầu tháng 10 này, tại gia đình bà Trần Thị Lan ở xóm Trung Nam, xã Phúc Thành có con lợn bị chết.
Nhận được tin báo, cán bộ thú y cơ sở đã tiến hành lấy mẫu gửi cơ quan Thú y xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III, cho thấy, mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chính quyền địa phương đã tiến hành thực hiện một số giải pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y và tuyên truyền cho người dân biết để thực hiện các giải pháp phòng bệnh, không để bệnh lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Từ đầu năm đến bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 9 xã, tổng số lợn đã tiêu huỷ 390 con, với tổng trọng lượng gần 15.000 kg; hiện tại còn 5 xã đang có dịch gồm: Văn Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Hoa Thành và Tăng Thành.
Người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó có phun hoá chất khử trùng trong và ngoài khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ phát sinh một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Diễn Châu và Yên Thành. Các ổ dịch đã được chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp xử lý trong diện hẹp, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như: tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, giám sát thường xuyên, tuyên truyền, thành lập đoàn kiểm tra…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp tiêu độc khử trùng môi trường, mua con giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh… đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin. Hiện nay, Việt Nam đã có vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai tiêm trong diện rộng và cho kết quả an toàn và hiệu lực.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Nghệ An từ đầu năm 2019. Bệnh nguy hiểm đối với lợn này đã lây lan ra tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ sau thời gian ngắn, ảnh hưởng đến kinh tế của người dân và Nhà nước./.
Xuân Hoàng
Nguồn: Báo Nghệ An