Qua kiểm tra thực tế, một số địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, khiến dịch lây lan kéo dài.
Sáng 21/12, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Anh Sơn. Cùng đi có đồng chí Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cùng các đơn vị liên quan.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, đây là một trong những địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 21/12, toàn xã có 5/6 xóm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy 60 con lợn.
Qua đánh giá thực tế, công tác phòng, chống dịch tại xã Thanh Thịnh vẫn còn một số bất cập, như địa phương không có chốt kiểm dịch, không có biển báo, mặc dù có rải vôi bột nhưng không đảm bảo kỹ thuật, số lượng ít…
Điều đáng nói, việc tiêu hủy lợn bệnh tại địa phương này cũng không đảm bảo an toàn. Các hộ dân khi có lợn nhiễm bệnh chỉ tiêu hủy duy nhất con lợn bệnh, không tiêu hủy đàn theo khuyến cáo. Dẫn đến dịch lây lan kéo dài. Những con lợn cùng đàn cũng bị lây bệnh sau đó không lâu, buộc phải tiêu hủy nhiều đợt.
Cụ thể, trường hợp gia đình anh Trần Văn Dực ở xóm Đức Thịnh, xã Thanh Thịnh có 14 con lợn, tuy nhiên, lại tiêu hủy đến 5 lần, toàn bộ số lợn đều nhiễm bệnh, việc tiêu hủy nhiều lần khiến dịch càng có nguy cơ lây sang vùng khác.
Đoàn công tác kiểm tra chốt kiểm dịch tại xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang An
Kiểm tra tại hiện trường, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc nhở chính quyền xã Thanh Thịnh và huyện Thanh Chương về công tác phòng, chống dịch, yêu cầu địa phương thực hiện nghiêm các quy trình phòng dịch, như tăng cường rải vôi bột, hóa chất, cắt cử lực lượng cũng như tiêu hủy lợn bệnh, hạn chế tối đa dịch lây lan trên diện rộng.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ kiểm tra sổ tay trực chốt tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang An
Đến hết ngày 20/12, huyện Thanh Chương có 10 ổ dịch tại các xã: Đại Đồng, Thanh Phong, Thanh Liên, Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Mỹ, Phong Thịnh, Thái Thịnh, Thanh An, Thanh Chi. Tổng số lợn tiêu hủy 586 con, tổng trọng lượng gần 34 tấn.
Đoàn công tác cũng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các xã: Cao Sơn, Lĩnh Sơn, Thạch Sơn, huyện Anh Sơn.
Lực lượng chức năng huyện Anh Sơn kiểm tra phương tiện ra, vào vùng dịch. Ảnh: Quang An
Tại đây, công tác phòng, chống dịch được thực hiện khá bài bản. Tại các điểm xuất hiện dịch đều có khu vực tiêu độc, khử trùng, có vôi bột được trộn lẫn với rơm, mùn cưa và phun nước trên bạt để phòng dịch. Lực lượng dân quân, cán bộ xóm phân chia nhau túc trực tại các điểm để kiểm soát động vật ra, vào.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ đã ghi nhận tinh thần chống dịch của người dân và chính quyền các xã trên địa bàn huyện Anh Sơn. Đồng thời, yêu cầu huyện tăng cường thêm lực lượng, hóa chất, thuốc khử trùng, các bài tuyên truyền qua các nền tảng để phòng dịch tốt hơn.
Đến ngày 21/12, toàn huyện Anh Sơn có 11 ổ dịch tại các xã: Long Sơn, Phúc Sơn, Hội Sơn, Thạch Sơn, Cao Sơn, Tam Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn, Bình Sơn, Đức Sơn, Lạng Sơn. Đây cũng là địa phương có dịch tả lợn châu Phi diễn biến khá phức tạp.
Rắc vôi bột trộn lẫn với mùn cưa để hạn chế dịch lây lan. Ảnh: Quang An
Qua kiểm tra tình hình thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn cũng như các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới. Địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Các địa phương tuyên truyền cho người dân chủ động phòng dịch bệnh động vật, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Rà soát, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y, đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, canh túc trực các điểm dịch đảm bảo yêu cầu.
Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các địa phương, cơ quan truyền thông cũng có hướng dẫn cụ thể đối với người dân về việc giết mổ, tiêu thụ lợn an toàn, tránh gây ra tình trạng hoang mang, lo lắng, khiến người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn, ảnh hưởng đến thị trường cũng như thu nhập của người chăn nuôi…
Đến ngày 20/12, toàn tỉnh có 106 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 17 huyện, thành, thị. Tổng số lợn tiêu hủy 7.808 con, tổng trọng lượng 459 tấn.
Quang An
Nguồn: Báo Nghệ An