Ngành thức ăn chăn nuôi năm 2023: Sẵn sàng đương đầu bão tố

(Người Chăn Nuôi) – Bước sang năm 2023, ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) toàn cầu vẫn chưa thoát được hàng loạt trở ngại đang phải đối mặt trong những năm gần đây, đồng thời tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức mới.

Áp lực lạm phát, chi phí đầu vào

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến mức lạm phát toàn cầu cuối năm 2022 sẽ tăng lên 8,8% nhưng có khả năng giảm xuống ngưỡng 6,5% vào năm 2023 sau khi chạm đỉnh. David Fairfield, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngũ cốc và TĂCN quốc gia Mỹ (NGFA) cho biết, lạm phát tăng cao là đòn giáng chí mạng vào ngành TĂCN năm 2022 khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Do đó, theo Fairfield, quản lý chi phí đầu vào và tạo doanh thu tương xứng sẽ là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp TĂCN trong năm 2023.

Người tiêu dùng hiện phải điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày để đối phó với tình trạng lạm phát giá thực phẩm. Cuộc khủng hoảng thực phẩm toàn cầu tại những thị trường mới nổi và đang phát triển, bắt nguồn từ sự can thiệp của Nga đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen cũng đe dọa nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sản xuất TĂCN trong năm 2023.

Theo Constance Cullman, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Mỹ (AFIA): Chỉ số giá tiêu dùng tất cả các loại thực phẩm đang tăng 11,4% so cùng kỳ năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng 2,5 – 3,5% vào năm 2023. Theo các chuyên gia kinh tế tại Mỹ, lạm phát gia tăng cùng với căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và thời tiết khô hạn, không thuận lợi cho sản xuất cây trồng sẽ khiến nông dân và chủ trang trại cắt giảm số lượng vật nuôi do không có đủ thức ăn hoặc giá thức ăn quá cao. Đây là một trong những nguy cơ làm giảm nguồn cung thịt toàn cầu trong năm sau. Các hãng sản xuất TĂCN sẽ tiếp tục đối mặt những thách thức do giá nguyên liệu thô tăng vọt sau các đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán lịch sử ở châu Âu.

thức ăn chăn nuôi 2023

Lạm phát ảnh hưởng đến ngành TĂCN. Ảnh: iStock

 

Rủi ro chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng gián đoạn và thiếu hụt sản phẩm là những mối lo ngại hàng đầu sau COVID-19 nhưng không phải do cước vận tải tăng cao như thời đại dịch 2 năm trước mà do địa chính trị bất ổn tại châu Âu cùng với khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt lao động kéo dài và tranh chấp lao động.

Ismael Roig, Giám đốc ADM Animal Nutrition nhận định tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang và sẽ diễn ra trong năm 2023. Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng cũng làm gián đoạn trong chuỗi cung ứng, từ khâu tìm nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và chế biến đến giao hàng. Toàn bộ những yếu tố này góp phần gia tăng thách thức liên quan đến vận chuyển hàng hóa trong ngành TĂCN.

Theo Fairfield, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và xe tải luôn gặp bất ổn bởi những tình huống khó lường như các cuộc đình công đã khiến ngành TĂCN gặp nhiều trở ngại trong khâu giao nhận sản phẩm. Các vấn đề liên quan đến logistics làm cho nhiều doanh nghiệp tạm dừng duy trì chiến lược sản xuất “không tồn kho”, từ đó phát sinh thêm nhiều chi phí. Theo Alexander Doring, Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất TĂCN châu Âu (FEFAC), một trong những thách thức lớn nhất của ngành TĂCN tại châu Âu hiện nay là duy trì dòng chảy hàng hóa ở mức giá cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đủ nguồn cung TĂCN cho gia súc, gia cầm trong bối cảnh nền kinh tế liên tục bất ổn và suy thoái.

 

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Đòn trả đũa của Nga nhắm vào nguồn cung khí đốt sang châu Âu đã khiến chi phí năng lượng nhảy vọt vào mùa hè năm 2022. Châu Âu, vốn phụ thuộc 40% vào nguồn năng lượng Nga đang chật vật tìm cách giải quyết khủng hoảng năng lượng. Dù châu Âu đã đề xuất mức giá trần và mức tiêu thụ giới hạn đối với năng lượng nhưng tình hình bất ổn do thiếu hụt năng lượng vẫn chưa lắng xuống.

Theo Iani Chihaia, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng chăn nuôi tại Hội đồng xuất khẩu đậu tương Mỹ – EU (USSEC), giá năng lượng tăng vọt gần đây, đặc biệt là khí đốt tự nhiên và điện đã và đang làm gián đoạn chu kỳ sản xuất chăn nuôi và dòng chảy hàng hóa thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng, nguyên liệu thô cho các nhà máy chế biến. Chihaia lo ngại các nhà máy sản xuất nguyên liệu thô và TĂCN tại châu Âu phải đóng cửa, sa thải công nhân hoặc cắt giảm nghiêm trọng các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Ngoài ra, giá năng lượng đang tăng mạnh sẽ khiến các công ty TĂCN chuyển gánh nặng chi phí sang nông dân và người tiêu dùng, thổi bùng cơn bão giá TĂCN và lạm phát đến năm sau. Trong khi đó, nguồn cung phụ phẩm chế biến TĂCN tại châu Âu đang hạn hẹp bởi nhiều hãng sản xuất đã dừng sấy khô phụ phẩm như bã củ cải đường và DDGS và chuyển sang khí methane sinh học.

Dũng Nguyên (Theo FeedStrategy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *