Ngành thú y Việt Nam: 75 năm vững vàng lá chắn sinh học quốc gia

(Người Chăn Nuôi) – Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thú y Việt Nam đã và đang giữ vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe vật nuôi, sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành thú y Việt Nam sáng 11/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trải qua ba phần tư thế kỷ, ngành thú y Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống an toàn sinh học quốc gia, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.

75 năm Ngày truyền thống ngành thú y

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu bật vai trò quan trọng của lực lượng thú y Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng

“Ngành thú y chính là “tấm lá chắn” đầu tiên bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng. Với tinh thần chủ động, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình giám sát, phòng chống, kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm, góp phần giữ vững ổn định ngành chăn nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục… đã được kiểm soát hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Song song đó, ngành cũng là lực lượng tiên phong kiểm soát chất lượng sản phẩm có nguồn gốc động vật, từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngăn chặn nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người.

Việc tổ chức hệ thống kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO, GMP, OIE đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi, gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngành thú y ngày càng khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín và vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

75 năm Ngày truyền thống ngành thú y

Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ông Dương Tất Thắng phát biểu. Ảnh: Bích Hồng

Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng chia sẻ, ngành thú y đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản. Đặc biệt, từ năm 1978 đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn bệnh dịch tả trâu bò, đồng thời kiểm soát hiệu quả các bệnh lây từ động vật sang người như cúm gia cầm, dại, liên cầu khuẩn, nhiệt thán, lao bò…

Hiện nay, cả nước đã xây dựng được hơn 3.780 chuỗi và vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với hàng chục triệu gia súc, gia cầm. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm dịch và thủ tục hành chính thông qua hệ thống hải quan một cửa quốc gia và dịch vụ công trực tuyến cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát mầm bệnh tại biên giới.

Đáng chú ý, Việt Nam hiện có 440 cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, góp phần kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Về vaccine, đã có 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, sản xuất 218 loại vaccine cơ bản, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh trong chăn nuôi. Đặc biệt, 3 doanh nghiệp đã nghiên cứu thành công vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, với sản lượng gần 8 triệu liều đã được đưa ra thị trường.

Nhờ những nỗ lực vượt bậc, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng. Trong đó, thịt gà chế biến được xuất khẩu sang Nhật Bản; các sản phẩm từ sữa và tổ yến sang Trung Quốc. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, từng bước nâng cao giá trị ngành hàng.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Thú y Việt Nam, khẳng định: “Ngành thú y Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với người chăn nuôi, đồng hành cùng ngành nông nghiệp. Sứ mệnh của ngành không chỉ là kiểm soát dịch bệnh mà còn mở rộng sang bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an ninh lương thực và phát triển bền vững”.

75 năm Ngày truyền thống ngành thú y

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Thú y Việt Nam chia sẻ. Ảnh: Bích Hồng

Theo bà Hương, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số, ngành thú y cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực xét nghiệm, giám sát dịch tễ; mở rộng hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy vai trò kết nối giữa viện – trường – doanh nghiệp để xây dựng ngành thú y hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập sâu rộng.

Đại diện khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam bày tỏ mong muốn các nhà khoa học và doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thú y tăng cường hợp tác, chia sẻ tri thức để cùng xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

“Ngành chăn nuôi, thú y không chỉ là trụ cột kinh tế, mà còn là nguồn cung thực phẩm sạch, an toàn cho cộng đồng. Đây là lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân và đòi hỏi sự đồng hành, đổi mới không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, ông Minh nói.

75 năm Ngày truyền thống ngành thú y

Trao kỷ niệm chương cho các đại biểu có những đóng góp quan trọng cho ngành thú y Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng

Tròn 75 năm phát triển (11/7/1950 – 11/7/2025), ngành thú y Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới, với yêu cầu ngày càng cao về năng lực kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đã đạt được là nền tảng vững chắc để ngành tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an toàn sinh học, đóng góp cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *