Ngành nông nghiệp Hải Dương đề xuất khu vực nào không được phép chăn nuôi?

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất các khu vực không được phép chăn nuôi và mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi phải di dời tại phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 1).

Chiều 6/11, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu chủ trì phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 1).

khu vực không được phép chăn nuôi Hải Dương

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát các cơ sở chăn nuôi ở những khu vực không được phép

Tại phiên họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tờ trình về đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).

Theo dự thảo Nghị quyết, nội dung quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi chưa từng được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đây. Đây là nội dung lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), phân cấp, giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, thành phố quy định cụ thể.

Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố và rà soát thực tế tại khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, hiện có 510/236.750 hộ chăn nuôi (chiếm 0,21% số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh). Trong đó có 469 hộ (chiếm 91,96 %) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ; có 40 hộ (chiếm 7,84%) chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và 1 hộ (chiếm 0,2%) chăn nuôi trang trại quy mô vừa. Mặt khác, tổng số gia súc, gia cầm tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi khoảng 48.000 con, chỉ chiếm 0,27% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (khoảng 17,6 triệu con), vì vậy khi Nghị quyết được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Khắc phục, cải thiện và giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn. Thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định…

khu vực không được phép chăn nuôi Hải Dương

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thăng báo cáo tại phiên họp

Dự thảo Nghị quyết này quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi các loại vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và các loại động vật khác trong chăn nuôi, trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm phụ lục các khu vực không được phép chăn nuôi tại 12 huyện, thành phố, thị xã.

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi, được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề.

Về nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại điều 7 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 1/8/2024 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 20/9/2024).

Theo đó, đề xuất hỗ trợ 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.

Hỗ trợ 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ 3 tháng lương cơ bản/người.

Dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 4,22 tỷ đồng.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhất trí với đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết này. Sở cần tiếp tục rà lại các khu vực chịu tác động của nghị quyết này, bảo đảm không bị sót lọt các hộ chăn nuôi ở khu vực không được phép. Các huyện, thị xã, thành phố cũng cần bố trí quỹ đất cho chăn nuôi tập trung, nhất là dành cho các hộ phải di dời có thể chăn nuôi tại đây. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh để sớm trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 11 (lần 1) cũng xem xét tờ trình của Sở Y tế về việc đề nghị cho chủ trương xây dựng Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2025 – 2030; tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi điểm c khoản 2 điều 6 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 của HĐND tỉnh Hải Dương quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; các báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư mới thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách; về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại Phí Xá, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng của Công ty CP HDC Hà Nội; đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại khu dân cư, đô thị Tân Phú Hưng mở rộng, TP Hải Dương của Liên danh Công ty CP Đầu tư Newland và Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS.

NGÂN HẠNH

Nguồn: Báo Hải Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *