(Người Chăn Nuôi) – Hàng loạt nông dân mới tham gia chăn nuôi heo tại Trung Quốc vào thời điểm giá thịt cao kỷ lục, đến nay đang phải cố gắng cầm cự và chờ đợi thị trường phục hồi.
Giá heo lao dốc
Ngành chăn nuôi heo Trung Quốc đang vật lộn ứng phó tình trạng sản xuất dư thừa sau khi hàng triệu nông dân quy mô nhỏ lẻ, thường là chân ướt chân ráo gia nhập ngành chăn nuôi heo để tận dụng cơ hội kiếm lời cao kỷ lục suốt thời gian thị trường thiếu hụt thịt heo do Dịch tả heo châu Phi (ASF).
Theo Reuters, thậm chí ngay cả khi giá thịt heo đang thấp hơn chi phí sản xuất, Chính phủ vẫn phải thúc giục người chăn nuôi cắt giảm đàn heo, thì nhiều nông dân mới lại lưỡng lự từ bỏ với hy vọng mong manh rằng thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.
“Chúng tôi đang lỗ 400.000 yuan (62.500 USD) mỗi tháng kể từ tháng 7 vừa qua nhưng năm ngoái lãi đậm nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục cầm cự”, Wu Zhanhang, một nông dân tại trung tâm Henan, tỉnh dẫn đầu về chăn nuôi heo tại Trung Quốc cho hay.
Wu, cũng như nhiều nông dân khác, bắt đầu chăn nuôi heo lần đầu tiên vào năm 2019, sau khi các công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc kêu gọi toàn ngành dồn sức phục hồi khẩn cấp sau các đợt bùng phát ASF trên cả nước đã gây thiệt hại 447 triệu con heo cả nước. Ban đầu lợi nhuận tăng mạnh cùng với giá thịt heo cao kỷ lục – đây cũng là món được ưa chuộng tại Trung Quốc. Nhưng khi đầu ra tăng và nhu cầu tiêu thụ bị gián đoạn do COVID-19 thì giá thịt heo lao dốc 70% trong năm nay, dẫn đến thiệt hại nặng cho người chăn nuôi heo Trung Quốc suốt hơn 3 tháng qua.
Wu đang kinh doanh thuốc thú y nhưng đã chi 6 triệu yuan (935.000 USD) để xây một trại mới để nuôi vỗ béo khoảng 5.000 con heo cùng lúc. Năm ngoái Wu thu lời 3000 yuan (470 USD) cho mỗi con heo xuất chuồng, gấp 3 lần mức lãi của năm 2019. Năm 2021, sau khi giá thịt heo dao động, Wu bắt đầu xuất bán heo thịt dưới giá heo con lúc nhập vào trang trại.
Ngành chăn nuôi heo Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với nhiều khó khăn – Ảnh: ST
Chu kỳ bong bóng
Sự thay đổi mạnh mẽ của ngành heo đã đẩy nhiều người chăn nuôi vào hoàn cảnh khó khăn, dù đó là những công ty lớn nhất Trung Quốc và gây ra sự tàn phá toàn ngành heo và các nhà cung cấp. Theo thống kê, các hãng chăn nuôi heo đã báo cáo doanh thu lỗ hàng tỷ yuan trong quý III. Nhiều người chăn nuôi đang gồng mình để trả nợ cho các nhà cung cấp, theo một giám đốc công ty thức ăn và thậm chí họ đang phải dừng sản xuất các thành phần thức ăn quen thuộc. Nhiều công ty phải cho thuê các trại mới xây dựng hoặc dừng xây dựng trại mới, đồng thời trì hoãn trả lương cho quản lý.
Nhu cầu tiêu thụ suy yếu cũng là một yếu tố, theo Dan Wang, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Hang Seng, chi nhánh Thượng Hải. Việc xây dựng ồ ạt các trại nuôi mới xảy ra đúng lúc nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên thị trường bắt đầu đi xuống do COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều nông dân mới nuôi heo vẫn đang chạy đua sản xuất với hy vọng giá heo sẽ tăng trở lại.
Hơn 2 triệu người nuôi heo quy mô nhỏ đã gia nhập ngành heo Trung Quốc năm ngoái. Theo dữ liệu thống kê chính thức, ước tính hơn 20 triệu người chăn nuôi heo quy mô nhỏ và khoảng 16.000 trang trại lớn bắt đầu hoạt động vào năm ngoái. Thị trường rơi vào chu kỳ bong bóng như hiện nay một phần do hành vi đầu cơ của hàng triệu nông dân nhằm kiếm lợi khi giá thịt heo tăng vọt sau đại dịch ASF, theo Pan Chenjun, chuyên gia phân tích tại Rabobank.
Cắt giảm heo nái
Với số lượng heo lớn hơn nhiều so thời điểm trước khi ASF bùng phát, các cơ quan quản lý ngành chăn nuôi tại Trung Quốc đã phải ban hành một hướng dẫn chưa từng có tiền lệ vào tháng trước để yêu cầu người chăn nuôi phải giảm bớt năng suất heo nái.
Từ nhiều tháng qua, các trại nuôi heo quy mô lớn vẫn đang giảm dần số lượng heo nái. Theo quản lý một trại chăn nuôi heo quy mô nhỏ ở tỉnh Hebei, trang trại này từng nuôi đến 1.000 con heo nái nhưng nay đã giảm 1/2 vì càng nuôi càng lỗ nặng.
Một số chuyên gia thị trường nói rằng, các đợt dịch bệnh vẫn đang có nguy cơ bùng phát, ASF vẫn đang ảnh hưởng đến nhiều trang trại và nhiều dịch bệnh phổ biến khác có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông. Theo Wang Chuduan, Giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc: Vào cuối năm hoặc đầu năm tới thường xảy ra các đợt bùng phát dịch bệnh quy mô lớn. Chính điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ cắt giảm đàn heo và sau đó một chu kỳ thị trường mới sẽ hình thành vào năm mới.
Dũng Nguyên
(Tổng hợp)