(Người Chăn Nuôi) – Theo số liệu Tổng Cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi năm 2024 tăng so với năm trước, trong đó thịt gia cầm tăng 5,4%; sản lượng trứng gia cầm tăng 5%. Đây thực sự là một kết quả hết sức ấn tượng trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp.
Nhân dịp đầu xuân mới, PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí Chăn Nuôi về những cơ hội của ngành gia cầm trong năm 2025.
Thưa ông! Năm 2024 ngành chăn nuôi đã vượt khó để về đích thành công với nhiều kết quả đáng tự hào, trong đó có lĩnh vực gia cầm. Chia sẻ của ông về điều này?
Đối với riêng gia cầm, chúng tôi đặt mục tiêu là 570 triệu con thì bây giờ đã đạt 575 triệu con, vượt so với kỳ vọng. Đáng chú ý, giá của gia cầm trong thời gian vừa rồi cũng có sự biến động, mặc dù không ổn định như giá thịt heo và không theo chiều hướng tích cực như thịt heo, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy một năm giá gia cầm và giá trứng đã có sự cải thiện hơn rất nhiều so với những năm trước, qua đó góp phần đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi trực tiếp.
Vấn đề nữa đối với ngành gia cầm như chúng ta thấy, cái quan trọng nhất là đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam. Bởi, trước đây nhu cầu thịt gia cầm trong bữa ăn hàng ngày chỉ khoảng 20% nhưng bây giờ thì nhu cầu đấy đã lên tới 30%, mặc dù nhu cầu thịt heo có giảm xuống so với trước đây nhưng vẫn khá cao so với các nước. Chính vì vậy, việc các sản phẩm gia cầm đáp ứng đủ cho thị trường trong thời gian vừa rồi cũng có thể coi là một thành công.
Hiện nay, năng suất sản xuất gia cầm của chúng ta đã tiệm cận với năng suất của thế giới. Thời gian vừa qua, chăn nuôi gà trắng cũng thành công nhờ vào việc chúng ta đã áp dụng rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về quản lý ngành, phòng chống buôn lậu, rà soát thắt chặt nhập khẩu để hạn chế được nhập lậu và thúc đẩy sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, sản xuất theo công nghệ cao cũng góp phần giảm giá thành, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi.
Một điều đặc biệt nữa mà tôi cũng muốn chia sẻ thêm, đó là với ngành gia cầm, chúng ta có bộ giống khá đa dạng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Khi đa dạng như vậy, chúng ta có thể chuyển đổi, thay đổi theo nhu cầu và định hướng của thị trường rất tốt, thích ứng với từng giai đoạn. Mặt khác, chu kỳ sản xuất của gia cầm lại ngắn hơn so với các loại gia súc như trâu bò hay heo. Cho nên đây là một sinh kế cực kỳ quan trọng cho chăn nuôi nông hộ, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa.
Ảnh: Ba Huân
Với những dấu ấn của ngành gia cầm như trên, ông nhận định như thế nào về tiềm năng của ngành này tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, thưa ông?
Với những lợi thế và thành tựu của ngành gia cầm như tôi vừa chia sẻ, thực tế thì thị trường trong nước nhu cầu càng ngày càng tăng, rõ nhất thông qua sự thay đổi nhu cầu thịt, hơn nữa chúng ta có thị trường 100 triệu dân rất lớn. Đặc biệt, trong nước thị hiếu sử dụng sản phẩm gia cầm cũng khác so với các nước phát triển. Điển hình như chúng ta ăn thịt gà lông màu rất nhiều; do vậy, đây là một trong các yếu tốt giúp gà lông màu có thể tiêu thụ một lượng lớn trong nước. Tôi cho rằng, chúng ta cần tận dụng lợi thế đó để phát triển theo hướng nhu cầu của thị trường.
Thứ hai, ngành gia cầm đã phát triển theo hướng công nghiệp hóa, với sản phẩm đa dạng, do đó, nên mở rộng, tiếp cận những thị trường xuất khẩu tiềm năng. Trong các sản phẩm chăn nuôi chủ lực, tôi cho rằng, sản phẩm gia cầm có nhiều cơ hội để xuất khẩu hơn, đặc biệt là thị trường Halal. Đây là thị trường rất lớn mà hiện nay ngành chăn nuôi đang tiếp cận. Tuy nhiên, thị trường này cũng có đặc thù riêng khi mỗi nước có một quy định khác nhau, cho nên Cục Chăn nuôi đã tổng hợp các yêu cầu đó cùng với các tổ chức chứng nhận Halal quốc tế, trong nước phối hợp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu.
Một vấn đề nữa liên quan đến ngành gia cầm được dư luận quan tâm đó là kiểm soát các sản phẩm nhập lậu. Ở góc độ quản lý, Cục Chăn nuôi đã triển khai nhiệm vụ này ra sao, thưa ông?
Chúng tôi đã tích cực phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ NN&PTNT cũng như ngoài Bộ, đặc biệt là Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), phối hợp cùng các lực lượng công an thắt chặt kiểm soát nhập lậu, buôn bán vận chuyển những giống gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. Chúng tôi xác định, nhiệm vụ này sẽ quyết định thành công của ngành gia cầm. Bởi, nếu chúng ta kiểm soát tốt nhập lậu sẽ giúp kiểm soát nguồn dịch bệnh từ các nước đưa vào, hay như vấn đề an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, việc gia cầm nhập lậu sẽ cạnh tranh với sản phẩm trong nước khiến cho người chăn nuôi gặp khó trong quá trình sản xuất.
2025 sẽ là một năm quan trọng để ngành gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung thực hiện các nhiệm vụ mà Chiến lược chăn nuôi đã đề ra. Vậy Cục Chăn nuôi có định hướng ra sao để triển khai nhiệm vụ quan trọng này ạ, thưa ông?
Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng thời gian qua ngành đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Sau khi Quốc hội thông qua luật chăn nuôi năm 2018, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 kèm theo 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược; ngành chăn nuôi tiếp tục tham mưu ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn luật và đặc biệt 2 văn bản rất quan trọng được địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi rất mong chờ; đó là Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi và Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024) đưa đất chăn nuôi tập trung vào phân loại đất và có 6 điều liên quan. Như vậy, kết thúc năm 2024 có thể khẳng định ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế.
Căn cứ vào mục tiêu của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 trong từng thời kỳ và các dự báo bối cảnh trong thời gian tới, để đạt mục tiêu chung phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp, Cục Chăn nuôi đã tiến hành rà soát, xác định chỉ tiêu cần đạt trong năm 2025 theo từng chỉ số tiểu ngành. Tiếp tục định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất chăn nuôi tập trung, hàng hóa theo quan điểm coi ngành chăn nuôi là một ngành kinh tế kỹ thuật sản xuất theo định hướng thị trường.
Để làm được việc đó, ngành cần vận dụng tối đa thể chế chính sách mới trước hết là để tối ưu hóa giảm giá thành sản xuất, có như vậy mới có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngay trên thị trường nội địa chứ chưa nói là để phục vụ xuất khẩu. Vấn đề thứ hai là phải tăng cường kiểm soát an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh. Đây là khâu then chốt để đảm bảo phát triển ổn định đàn và tránh rủi ro cho người chăn nuôi. Vấn đề thứ ba là phải sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có, lợi thế của Việt Nam để tạo đầu vào sản xuất cho ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có gia cầm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở cửa thị trường, giám sát nhập lậu và thắt chặt nhập khẩu phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục mới phát huy tác dụng bảo vệ và thúc đẩy sản xuất chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Khánh
(Thực hiện)