(Người Chăn Nuôi) – Tiêu thụ trứng bảng tại Nga đang bất ổn khiến nhiều hãng sản xuất không đủ hòa vốn suốt nửa đầu năm. Ngành trứng buộc phải đa dạng hóa bằng cách đầu tư vào trứng chế biến, giảm phụ thuộc vào trứng bảng và duy trì lợi nhuận cho các năm tiếp theo.
Trứng bảng suy yếu
Cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat ước tính, trong nửa đầu năm 2021, sản lượng trứng gia cầm của Nga giảm 0,8% so cùng kỳ năm ngoái, còn 22,3 triệu quả. Chi phí sản xuất tăng trong khi tiêu thụ suy yếu suốt và sau dịp lễ Phục sinh đã gây áp lực lợi nhuận.
Khi thị trường trứng tươi ế ẩm, giá giảm mạnh, các hãng sản xuất trứng tại Nga bắt đầu đàm phán với các kênh bán lẻ về việc chuyển đổi từ bán trứng trên thị trường thương mại tự do sang hợp đồng trực tiếp với giá cố định. Tuy nhiên, hợp đồng vẫn bao gồm các điều khoản về điều chỉnh giá trong hợp xảy ra những thay đổi bất khả kháng về chi phí sản xuất. “Từ năm ngoái chúng tôi đã rút ra bài học cần phải thích ứng và quen thuộc với các chi phí phụ trội. Ðầu năm 2021, hàng loạt chi phí sản xuất tăng gồm thức ăn, đóng gói và logistics”, theo Lakhtyukhov. Thông thường, nhu cầu tiêu thụ trứng tại Nga đạt kỷ lục vào Lễ giáng sinh Orthodox và nhà sản xuất dự báo kênh bán lẻ sẽ mạnh tay gom hàng. Tuy nhiên, điều này đã không tái diễn trong năm nay. Lakhtyukhov giải thích, nguồn cung trứng đang dư thừa trên thị trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá bán.
Nông dân Nga đã quen với việc giá trứng biến động theo từng mùa, nhưng hiện tượng giá gần như chạm đáy vào năm nay lại là điều chưa từng có tiền lệ. Ở một số khu vực, giá trứng đã giảm mạnh 30% vào tháng 4 và tháng 5. Tình hình càng tồi tệ hơn bởi người tiêu dùng Nga hạn chế chi tiêu và điều chỉnh giá thực phẩm để bảo vệ người nghèo, nên không còn cơ hội cho các hãng sản xuất vớt vát lợi nhuận.
Vực dậy phân khúc trứng chế biến
Các chuyên gia trong ngành trứng gia cầm Nga nhận ra COVID-19 ảnh hưởng đến cầu và giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Sản xuất trứng của Nga đã bão hòa và không còn dư địa để tăng trưởng thêm. Kết quả, tiêu thụ tăng giảm theo mùa thường dẫn đến dư thừa nguồn cung trên thị trường. Ðể giảm bớt tình hình này, một số nhà phân tích đã tuyên bố rằng trứng chế biến là giải pháp duy nhất đưa ngành trứng gia cầm Nga đi tiếp. Giải pháp này có thể mở ra các cơ hội xuất khẩu mới.
Ngành công nghiệp trứng chế biến tại Nga vẫn chưa được đầu tư thích đáng và đang kém phát triển.
Zhemcuzhnikov cho biết: “Số ít nông dân và nhà máy tại Nga – những người đã đầu tư vào trứng chế biến đều hài lòng với quyết định của họ. Chúng tôi đã vận hành nhà máy sản xuất trứng chế biến lớn nhất nước Nga với công suất 3 triệu quả trứng/ngày. Nhờ đó, chúng tôi có thể giảm thiểu thiệt hại do sự biến động giá trứng tươi theo mùa tại thị trường nội địa.
Phân khúc trứng chế biến tại Nga thiếu sự đầu tư do quá chú trọng vào trang trại gà đẻ trứng suốt thời gian dài với lợi nhuận tốt cho đến gần đây. Theo các nguồn tin trong ngành trứng gia cầm Nga, vấn đề chính là sản phẩm dưới tiêu chuẩn (ví dụ trứng ngoại cỡ) vẫn được phép bán. Trong khi tại các nước khác, nông dân chỉ có thể xử lý trứng ngoại cỡ bằng cách chế biến. Zhemcuzhnikov nói rằng, nếu sản xuất 1 quả trứng thì nông dân buộc phải bán sản phẩm đó và quan trọng là bán với giá bao nhiêu. Trứng đã chế biến thì không vậy bởi người sản xuất có thể bảo quản sản phẩm trong kho một thời gian trước khi tìm được người mua thích hợp. Sản phẩm tinh tế hơn, chế biến phức tạp hơn nên trứng chế biến là một ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao hơn. Hiện, chỉ có ít hãng sản xuất trứng chế biến từ châu Âu, Mỹ, Mỹ Latinh và Ấn Ðộ. Nhưng thị trường tiềm năng của trứng chế biến rất rộng mở gồm châu Âu, châu Á, nhất là Nhật Bản và các nước CIS gồm Belarus, Nga và Ukraina.
Mi Lan
(Theo Worldpoultry)