(Người Chăn Nuôi) – Ngày 30/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Nhà máy giết mổ công nghiệp quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh Ngọc Ánh.
Cụ thể, đối với giết mổ gia súc, gia cầm, Đề án hướng đến phát triển một số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.
Về chế biến thịt, trứng và sữa, Đề án đặt mục tiêu phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới; Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt tương ứng từ 25 – 30% năm 2025 và từ 40 – 50% vào năm 2030. Trong đó, tốc độ tăng giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt khoảng 2,0 – 3,0%/năm hiện nay lên 3,5 – 4,5%/năm giai đoạn 2023 – 2025 và 4,5 – 5,5%/năm giai đoạn 2026 – 2030.
Đối với trình độ công nghệ, hiện nay, cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng từ 15% tăng lên 25 – 30% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở công nghệ trung bình tiên tiến từ khoảng 53% giảm còn 45 – 50% vào năm 2025 và 35 – 40% vào năm 2030; tỷ lệ cơ sở trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu từ khoảng 32% giảm còn 20 – 25% vào năm 2025 và 5 – 10% vào năm 2030.
Cùng đó, cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến khoảng từ 60% tăng lên 70 – 75% vào năm 2025 và 80 – 85% vào năm 2030. Sản lượng trứng chế biến tăng tương ứng gấp 2 lần vào năm 2025 và gấp 3 lần vào năm 2030. Các cơ sở chế biến sữa quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến hiện nay đạt từ 85 – 90% đến năm 2025 và các năm tiếp theo đạt từ 95 – 100%.
Đồng thời, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1,0 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3,0 – 4,0 tỷ USD vào năm 2030.
Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp. Trước hết cần nâng cao chất lượng giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến. Tiếp đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc và tăng cường kiểm soát chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi chế biến. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan liên quan triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về tính khả thi, hiệu quả của Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nội dung của Đề án với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan không để xảy ra trùng lặp, chồng chéo; Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách mới, đặc thù lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi như giết mổ gắn với chế biến, nâng cao tỷ lệ sản phẩm qua chế biến, đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, quản lý môi trường để thúc đẩy lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại, hiệu quả, an toàn và bền vững.
Đồng thời nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong giết mổ, bảo quản, chế biến các sản phẩm chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi phù hợp lộ trình phát triển.
Nam Linh