(Người Chăn Nuôi) – Chiều ngày 13/10/2022, trong khuôn khổ Triển lãm Vietstock 2022, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam đã tổ chức thành công Hội thảo “Sử dụng công nghệ cùng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gia súc lớn ở Việt Nam” với sự tham gia của đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và các trang trại nuôi tập trung và nông hộ.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Kim Giao – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam cho biết: “Đàn gia súc lớn của Việt Nam rất lớn và đa dạng, nguồn thức ăn cho loại gia súc này rất phong phú, nhưng năng suất, hiệu quả của ngành chăn nuôi này còn rất thấp cho dù đang được Chính phủ ưu tiên”.
PGS. TS Hoàng Kim Giao phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo ông Giao, để phát triển đàn gia súc lớn, các doanh nghiệp và người chăn nuôi tập trung vào giải quyết một số khía cạnh: Thứ nhất, áp dụng ngay các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chăn nuôi tùy theo điều kiện loài vật nuôi, quy mô đàn, trình độ quản lý, trình độ nhận thức của người chăn nuôi. Các công nghệ được khuyến khích áp dụng là phôi trộn thức ăn hoàn chỉnh (TMR), công nghệ quản lý đàn, công nghệ tinh phôi, công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn, trong xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Đồng thời tôn trọng và tuân thủ, thực hiện đúng tất cả các quy trình trong chăn nuôi. Thứ hai, nghiên cứu tạo ra các tổ hợp lai tốt nhất cho từng vùng trên cơ sở các giống hiện có, thậm chí với những giống nhập khẩu tiềm năng. Thứ ba, tạo nguồn thức ăn thô xanh đầy đủ. Thứ tư, liên doanh, liên kết chặt chẽ trong chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên. Thứ năm, thực hiện tốt luật thú y, phòng chống dịch bệnh tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Theo PGS. TS Lê Thị Thúy, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi Việt Nam, 3 công nghệ quan trọng nhất hiện nay đang được ứng dụng là công nghệ quản lý đàn; công nghệ quản lý, đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn; công nghệ tinh, phôi phân ly giới tính. Về kết quả, thực tế đã chứng minh, ứng dụng công nghệ cao đã mang tới thành công trong chăn nuôi bò sữa của TH True Milk, Vinamilk…; giống tốt hơn, năng suất cao hơn, chất lượng sữa tốt hơn. Các hộ chăn nuôi bò sữa tốt nhất thường dám đầu tư và đầu tư đúng; thực hiện đúng quy trình; đổi mới công nghệ phù hợp; thực hiện vệ sinh, phòng bệnh triệt để; kết hợp và chia sẻ kinh nghiệm.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, TS. Phùng Thế Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương đã đưa ra một số định hướng và giải pháp phát triển cho chăn nuôi bò hướng thịt tại Việt Nam. Theo đó, đến năm 2030, đàn bò sữa đạt quy mô từ 650.000 – 700.000 con, trong đó khoảng 60% đàn bò sữa được nuôi trong các trang trại; đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 – 6,6 triệu con, trong đó khoảng 30% được nuôi trong trang trại; đàn trâu ổn định ở quy mô từ 2,4 – 2,6 triệu con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong trang trại; đàn dê, cừu ổn định ở quy mô 4 – 4,5 triệu con, trong đó đến 90% là đàn dê, cừu lai và được nuôi chủ yếu trong trang trại, hộ lớn theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát. Giải pháp về kỹ thuật giống, ông cho biết nên tuyển chọn bò đực giống ngoại thuần chủng cao, đẩy mạnh công tác nhân giống bằng thụ tinh nhân tạo, chọn lọc đàn bò cái nền tại các địa phương. Về tổ chức sản xuất và quản lý, khuyến khích xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô vừa và lớn; khuyến khích chăn nuôi công nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại, giảm thiểu chăn nuôi thả rông bằng các chính sách hỗ trợ; quản lý sản xuất, chăn nuôi cho đối tượng, số lượng cụ thể, hạn chế tự phát làm mất cân đối cung cầu, dịch vụ kỹ thuật khép kín đầu vào đến đầu ra.
Linh Linh