(Người Chăn Nuôi) – Sự xuất hiện của virus cúm gia cầm trong đàn bò sữa của Mỹ đã gây chấn động ngành chăn nuôi, buộc quốc gia này phải xem xét lại và củng cố lá chắn an toàn sinh học.
Đẩy lùi H5N1 trong ngành bò sữa
Giới chức y tế Mỹ công bố bò sữa nhiễm H5N1 tại nhiều bang từ cuối tháng 3/2024, đánh dấu lần đầu tiên cúm gia cầm được phát hiện ở vật nuôi. Từ đó đến nay, các nhà sản xuất chăn nuôi đã bắt đầu tăng cường nỗ lực an toàn sinh học tại trang trại, bao gồm hạn chế lượng người ra vào cơ sở sản xuất, hạn chế việc đi lại của nhân viên tại đây và chỉ cho phép các nhân viên thiết yếu.
Mark Beaven, Giám đốc công ty dịch vụ nông nghiệp Ethoguard, cho biết: “Trong khi ngành chăn nuôi heo và gia cầm luôn đề cao an toàn sinh học nghiêm ngặt từ đầu vào, thì ngành sữa vẫn chưa phải thực hiện quy trình tương tự cho đến nay”. Do đó, sự cố H5N1 trong ngành sữa là đòn cảnh tỉnh ngành chăn nuôi tại Mỹ củng cố lại lá chắn an toàn sinh học một cách toàn diện.
Theo Cassio Villela, Giám đốc tiếp thị, kiểm soát mầm bệnh và hiệu quả sản xuất tại Kemin Animal Nutrition and Health, Bắc Mỹ, quy trình an toàn sinh học trong các hoạt động chăn nuôi bò sữa tại Mỹ đã được thay đổi tích cực trong những tháng gần đây. Villela cho biết: Các nhà sản xuất và quản lý đang nâng cao cảnh giác và thực hiện biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt hơn để giảm thiểu mọi tác động tiềm ẩn từ H5N1. Trong đó, cải thiện khâu ra vào trang trại là một trong những thay đổi chính, cụ thể gồm đặt lịch hẹn, hạn chế khách và phương tiện cũng như bắt buộc sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân.
Ngoài ra, hoạt động giám sát vật nuôi cũng được tăng cường kết hợp nâng cấp biện pháp quản lý nguồn nước. Nước chính là nguồn truyền bệnh tiềm ẩn, do đó, các trang trại tại Mỹ thường xuyên vệ sinh máng nước bằng chất khử trùng đã được chứng minh hiệu quả chống lại virus cúm gia cầm. Theo Villela, các trang trại sử dụng khăn riêng cho từng con bò, ưu tiên vắt sữa những con bò khỏe mạnh trước và duy trì quy trình khử trùng nghiêm ngặt thiết bị vắt sữa sau mỗi lần sử dụng. Phản ứng chủ động và nhanh nhạy của ngành chăn nuôi bò sữa Mỹ cho thấy cam kết duy trì sức khỏe đàn vật nuôi và đảm bảo duy trì sản xuất sữa trong bối cảnh đầy thách thức do H5N1.
Nhiều đổi mới và cải tiến
Susana Cazerta, công ty ADM Animal Nutrition, cho biết an toàn sinh học chăn nuôi tại Mỹ đã ghi nhận rất nhiều tiến bộ và đổi mới gần đây. Cụ thể, công nghệ nano và giám sát thời gian thực đang được áp dụng để tăng cường an toàn sinh học. Đây cũng là những công nghệ tiềm năng trong một số lĩnh vực, bao gồm dinh dưỡng chăn nuôi và cải thiện sức khỏe động vật.
Theo ghi nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vào năm 2023, ngành công nghiệp thực phẩm đã thu hồi 309 đợt sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và giá trị thương hiệu. Susana Cazerta giải thích, sự đổi mới trong kiểm soát rủi ro vi sinh vật là sự kết hợp giữa hiệu suất sản phẩm, sàng lọc thời gian thực và ứng dụng sản phẩm thông qua công nghệ mới như cảm biến vi sinh, theo dõi sản phẩm bằng công nghệ nano và trí tuệ nhân tạo (AI) để tích hợp công nghệ giám sát từ xa nhằm phát hiện sớm nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Một số trang trại đang áp dụng công nghệ ánh sáng tia cực tím (UV) để kịp thời phát hiện mầm bệnh trong không khí bằng AI và thấu kính ánh sáng, đồng thời xử lý lượng không khí lớn đi vào chuồng trại. Công ty Ethoguard cũng đang phát triển ứng dụng di động để giảm rủi ro an toàn sinh học tại trang trại và hỗ trợ theo dõi sức khỏe động vật. Hầu hết các trại gia súc, gia cầm đều trang bị AI, cảm biến để phân tích dữ liệu, theo dõi lượng ăn vào, đánh giá rủi ro và phát hiện dịch bệnh sớm.
Vẫn còn thách thức
Chi phí, khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế, khoảng trống giữa lý thuyết và thực tiễn, nhận thức, đào tạo… được xem là những thách thức của ngành chăn nuôi hiện nay. Theo Susana Cazerta, không chỉ trại chăn nuôi mà những hãng phát triển công nghệ cũng gặp khó khăn về chi phí. Ông nói, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là một thách thức lớn, cộng thêm nhu cầu điều chỉnh cơ chế quản lý trong một số trường hợp đã khiến công cuộc đổi mới trở thành một nỗ lực tốn kém.
Hiện, công ty ADM đang đặt mục tiêu tự vượt qua thách thức này bằng cách áp dụng công nghệ sẵn có, chẳng hạn như kết hợp những sản phẩm ảnh hưởng đến phúc lợi động vật, hỗ trợ sản xuất hợp lý và giảm thiểu tác động lên động vật cũng như môi trường.
Đại diện ADM cho biết, sự chủ quan của người chăn nuôi là một trở ngại lớn đối với nỗ lực cải thiện an toàn sinh học. Một số hộ nuôi vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của an toàn sinh học hoặc chỉ thực hiện quy trình lỏng lẻo. Cách khắc phục trước mắt là tăng cường đào tạo và giáo dục để người chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt, theo Mark Beaven. Ông nhấn mạnh thêm, cần nuôi dưỡng văn hóa học hỏi liên tục và khả năng thích ứng trong chăn nuôi. Quan trọng là, cần phải tiếp tục coi an toàn sinh học là thách thức và cơ hội, không chỉ bao gồm các khu vực chuồng trại, vận chuyển động vật, nhân viên trang trại, mà còn mở rộng sang xử lý nước, thiết bị, thức ăn… Thiếu một mảnh ghép nhỏ có thể khiến toàn bộ hoạt động chăn nuôi bị tổn thương trước dịch bệnh.
Tuấn Minh
(Theo Agribiz)