(Người Chăn Nuôi) – Cừu là loài dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi môi trường sống, khả năng chống chịu bệnh tật tốt. Hiện ở nước ta, có ba hình thức nuôi cừu chủ yếu là nuôi quảng canh, nuôi bán thâm canh và thâm canh.
Nuôi quảng canh
Nuôi cừu theo hình thức quảng canh chỉ áp dụng được ở những vùng có sẵn nhiều đồng cỏ hoang rộng rãi, do đất đai quá cằn cỗi, hay địa thế đất triền, đất đồi, đất dốc… dùng vào việc trồng trọt không có lợi, nhưng nơi đây lại có nhiều thức ăn khoái khẩu của cừu, thích hợp với cách sống của cừu. Nuôi chăn thả như vậy có nhiều điều lợi là chăn nuôi được cả bầy đàn lớn hàng trăm, hàng ngàn con, lại ít tốn công chăm sóc và chăn dắt. Dù nuôi với bầy đàn lớn, cũng chỉ cần một vài người cùng một vài con chó chăn cừu là đủ.
Ðây là hình thức nuôi chăn thả rông cả đàn cừu, cho chúng tung tăng kiếm ăn tự do ngoài đồng cỏ rộng rãi suốt từ sáng đến chiều như cách sống của cừu hoang dã. Sáng ra, người nuôi lùa cả đàn cừu ra bãi ăn, và chiều tối lại lùa chùng trở lại chuồng để ngủ nghỉ qua đêm. Ðây là cách chăn nuôi cừu được nhiều hộ áp dụng tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều vùng thượng du, nơi gần rừng, gần núi ở khắp miền Bắc và miền Trung nước ta.
Với hình thức nuôi quảng canh thì người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí chuồng trại cũng như thức ăn, mà cừu sẽ tự đi kiếm ăn. Tối về chuồng, chỉ những cừu đang mang thai hoặc cừu ốm yếu mới cho ăn bổ sung. Chỉ trong mùa nắng hạn, bãi chăn thả thiếu thức ăn tươi thì tối về mới cho cả đàn ăn bổ sung tại chuồng với cỏ khô và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Tuy nhiên, hình thức nuôi này cũng có điều bất tiện là khó kiểm soát được sức khỏe, cũng như sự sinh sản của từng cá thể vật nuôi, vì vậy chỉ thích hợp với nuôi cừu lấy thịt.
Nuôi cừu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ST
Nuôi thâm canh
Trái với cách nuôi quảng canh là nuôi thâm canh. Nuôi thâm canh là nuôi nhốt cừu tại chuồng, và cho ăn uống tại chuồng. Hình thức nuôi này thường chỉ áp dụng lại những vùng không có sẵn những khu đồng cỏ hoang hóa, chẳng hạn như vùng thành thị vốn đất hẹp người đông. Hoặc ở vùng thôn quê nhưng tất cả ruộng vườn đã được trưng dụng vào việc trồng tỉa hoa màu, cây trái nên không còn đất trống để chăn thả. Hoặc trong trường hợp cừu nuôi là giống cao sản quý hiếm, cần có chế độ chăn nuôi và chăm sóc kỹ, nên nuôi nhốt để tiện theo dõi thường xuyên sự sinh trưởng và sinh sản của chúng.
Nuôi nhốt tại chuồng, dù không có đất đủ rộng để chăn thả, cần tạo một khoảnh sân chơi nhỏ (làm cạnh khu vực chuồng nuôi) để mỗi sáng thả cừu ra sân vài giờ, giúp chúng có cơ hội chạy nhảy cho khỏi cuồng chân và được tắm nắng sáng, hấp thu nguồn Vitamin D3 giúp khung xương được chắc chắn, loại bỏ các ký sinh trùng như rận, mạt sống dưới lớp lông dày.
Cừu nuôi nhốt tại chuồng phải lo thức ăn hằng ngày cho chúng, cần cung cấp đủ cỏ lá và các loại phụ phẩm nông nghiệp như ngọn mía, vỏ thơm, bã đậu nành, bánh dầu… cho cừu ăn no ngày ba bữa. Sự tốn kém này khá lớn, vì vậy chỉ nuôi nhốt cừu cao sản mới có lợi.
Ngoài ra, nuôi nhốt cừu còn đòi hỏi nhiều công chăm sóc như tắm chải, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh xung quanh khu vực nuôi… khá nặng nhọc. Tuy vậy, hình thức nuôi thâm canh có ưu điểm là có thể theo dõi chi tiết từng cá thể trưởng thành và chọn lựa được những con giống có phẩm chất tốt để gây dựng bầy đàn cho năng suất cao như ý muốn. Nhờ đó mà chủ động được việc chọn những con đực, con cái tốt để ghép đôi giao phối trong thời kỳ cừu động đực, và ghi chép được những chi tiết cần thiết như đoán được ngày tháng cừu mẹ đẻ con để nuôi chúng chu đáo hơn trong từng thời kỳ mang thai…
Nuôi bán thâm canh
Hình thức nuôi bán thâm canh này là phối hợp giữa nuôi nhốt và chăn thả rông. Hoặc vừa nuôi nhốt lại chuồng vừa cầm cột ngoài vườn, ngoài bờ bụi… để cừu có điều kiện tiếp xúc với môi trường sống thoáng đãng bên ngoài và tự kiếm những thức ăn khoái khẩu với chúng.
Hình thức nuôi này chỉ áp dụng được tại những vùng có sẵn những bãi đất trống nhỏ gần nhà và chỉ chăn thả được với những bầy đàn nhỏ, không áp dụng với bầy đàn số lượng lớn.
Trong điều kiện như vậy, mỗi ngày có thể nuôi nhốt tại chuồng một buổi và chăn thả ngoài một buổi. Nếu không tiện chăn thả rông, có thể cầm cột mỗi con một nơi bằng một đoạn dây ngắn vài ba mét để cừu qua lại kiếm ăn trong phạm vi bán kính bằng chiều dài của sợi dây cột vào cổ nó. Thường thì hôm nay người ta chăn thả hay cầm cột ở đám đất này, mai lại lùa bầy đàn đến bãi đất khác.
Nuôi bán thâm canh cũng là cách được áp dụng rộng rãi vì đem lại nhiều lợi ích: không tốn kém thức ăn nhiều như cách nuôi cừu tại chuồng (chỉ cần cho ăn bổ sung một bữa), công chăm sóc cũng tương đối nhẹ hơn cách nuôi nhốt trong chuồng. Hình thức nuôi này phù hợp với nuôi cừu cao sản.
Phạm Hải