Năm 2024, ngành nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội của tỉnh. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết bất lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường biến động và một số cơ chế chính sách còn vướng mắc, song ngành đã chủ động tham mưu, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt, bám sát thực tiễn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3,37% cao hơn kế hoạch 0,37%. Sản lượng lương thực ước đạt 31,13 vạn tấn, tăng 5.564,3 tấn so với cùng kỳ năm 2023, vượt 11,17% kế hoạch năm. Trong đó, lúa vẫn là cây trồng chủ lực với sản lượng 296.452 tấn. Sản lượng lương thực có hạt một số huyện vượt cao so với kế hoạch, tiêu biểu như huyện Triệu Phong đạt 71.912 tấn/ kế hoạch 67.150 tấn, Hải Lăng đạt 90.381 tấn/ kế hoạch 82.328 tấn.
Với những nỗ lực trong liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay, diện tích cây trồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm trong toàn tỉnh đã đạt hơn 8.100 ha, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như lúa, cà phê, hồ tiêu, dược liệu và cây ăn quả. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và tạo đầu ra ổn định cho nông dân.
Hải Lăng tiếp tục phát triển diện tích sản xuất cánh đồng lớn nhằm gia tăng giá trị sản xuất. Ảnh: T.T
Ngành chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá sản phẩm chăn nuôi tăng đã khuyến khích người chăn nuôi tăng tổng đàn. Đến nay có 699 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tăng 2 trang trại so với năm 2023), trong đó 135 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp. Tổng đàn lợn nuôi tại các trang trại chăn nuôi chiếm 57% tổng đàn lợn toàn tỉnh. Phương thức chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Toàn bộ diện tích 248.189,09 ha rừng hiện có được quản lý, bảo vệ tốt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị tham gia thực hiện quản lý rừng bền vững được cấp chứng chỉ rừng, với tổng diện tích là 26.135,65 ha.
Lĩnh vực thủy sản đánh dấu một năm thắng lợi với tổng sản lượng ước đạt 38.043 tấn, đạt 103,5 % so với kế hoạch đề ra. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung; các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn tiếp tục được triển khai, nhân rộng và mang lại hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có hơn 111 ha nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất bền vững
Xác định khoa học công nghệ là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, ngành nông nghiệp đã ứng dụng mạnh mẽ những tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm, công nghệ thủy canh, nuôi tôm đa giai đoạn, giống lâm nghiệp nuôi cấy mô… Đặc biệt, việc sử dụng thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí, tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các phương pháp canh tác tự nhiên, sản xuất hữu cơ được quan tâm phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về sản phẩm sạch, an toàn.
Đến nay có hơn 50 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả, an toàn, chất lượng cao; hơn 11.000 ha cây trồng sử dụng, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất (hệ thống tưới tiết kiệm (1.000 ha), thiết bị bay không người lái (10.000 ha), hệ thống cảm biến, IoT, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh)… Có 135 trang trại chăn nuôi liên kết công nghệ cao; hơn 111 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Diện tích sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm là 1.226,85 ha.
Các hoạt động khoa học – công nghệ, nghiên cứu thành công đã được tuyên truyền, nhân rộng trên địa bàn tỉnh, tạo ra chuyển biến tích cực trong việc thay đổi tập quán của người sản xuất, từng bước áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến cuối năm 2024, có 76/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 75,25%), trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng được công nhận huyện NTM .
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển
Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động tối đa các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của các địa phương, nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả và bền vững góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như cơ cấu lại sản xuất, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các ngành hàng theo từng vùng, miền, địa phương để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, hướng tới mục tiêu đạt 1.000 ha lúa hữu cơ vào năm 2025. Hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, chất lượng nguồn nước sinh hoạt nông thôn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Duy trì và phát huy các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là các chuỗi thực phẩm an toàn, các liên kết sản xuất…
Huy động lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất – cung ứng dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức tổ chức, chỉ đạo sản xuất trên địa bàn.
Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị canh tác.
Kết quả đạt được trong năm 2024 tạo đà quan trọng để ngành nông nghiệp bứt phá, tăng tốc về đích, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2025.
Bảo Bình
Nguồn: Báo Quảng Trị