(Người Chăn Nuôi) – Đây là số liệu được nêu tại Hội nghị chuyên đề Phối hợp đa ngành trong phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “Chia sẻ dữ liệu – Dẫn lối tương lai”. Hội nghị do Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức trong hai ngày 14 – 15/1 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, trường đại học, chuyên gia, các tổ chức quốc tế như FAO, FHI 360,… Nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị sẽ góp phần cải thiện chính sách, thúc đẩy cách tiếp cận Một sức khỏe, chia sẻ dữ liệu phòng, chống kháng thuốc, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển các giải pháp sáng tạo trong hệ thống quản lý kháng sinh và phòng, chống kháng thuốc.
Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành phòng, chống kháng thuốc diễn ra trong 2 ngày 14 – 15/1 Hà Nội. Ảnh: Linh Linh.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay, phòng, chống kháng kháng sinh (kháng thuốc) là vấn đề chung của toàn cầu mà chúng ta cần phải đối phó và giải quyết. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT luôn quan tâm đến công tác này.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25/9/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2021 – 2025.
“Mặc dù chiến lược phòng, chống kháng thuốc đã được phê duyệt, đã có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên công tác phòng, chống kháng thuốc ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu và còn nhiều vấn đề. Cần phải có sự nhìn nhận thẳng thắn, từng bước hoàn thiện kế hoạch để phối hợp thực hiện giữa các cấp, ngành từ việc quản lý sản xuất, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến và các khâu, các bước sản xuất nông sản”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Một yếu tố không thể thiếu trong việc thực hiện Chiến lược, theo ông Long, đó là sự phối hợp liên ngành, đa ngành, trong từng ngành và giữa các ngành, giữa Trung ương và các địa phương, giữa doanh nghiệp với các hiệp hội, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, sự đồng hành, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế, các nước là yếu tố rất cần thiết, quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công chiến lược phòng, chống kháng thuốc.
“Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng tôi nhấn mạnh sự quan trọng của vấn đề con người từ Trung ương đến địa phương, trong đó vai trò thực hiện của địa phương là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, xây dựng năng lực của hệ thống từ trang thiết bị đến con người, hệ thống giám sát, cảnh báo là thực sự cần thiết. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở sử dụng thuốc và phòng, chống kháng thuốc mà còn liên quan đến chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản”, ông Long nhấn mạnh.
Theo số liệu được báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, trên thế giới, tình trạng sử sụng kháng sinh đối với động vật từ 4 – 5%, đối với người là 38%. Trung bình hàng năm có 1,27 triệu ca tử vong do kháng thuốc, nhưng chỉ dưới 1% liên quan đến thực phẩm.
Đối với riêng lĩnh vực nông nghiệp, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) trích dẫn theo 2 nghiên cứu gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng 42,2 tấn kháng sinh trong chăn nuôi gà và 981 tấn trong chăn nuôi lợn. Trong đó, có 55% trường hợp dùng khi vật nuôi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường, 25% dùng cho vật nuôi khi thay đổi thời tiết, còn lại do một số nguyên nhân khác.
Bộ NN&PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ ngày 1/1/2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ 1/1/2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Về phía Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển của toàn xã hội, đòi hỏi phải có hành động đa ngành, khẩn cấp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố, kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe hàng đầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các vi sinh vật kháng thuốc. Theo ông Khoa, cần có sự nỗ lực, cam kết của các bộ, ngành, từ các cấp Trung ương đến địa phương, cùng vào cuộc, triển khai thực hiện và ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
“Những kinh nghiệm từ các quốc gia, chuyên gia quốc tế giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam thiết lập hệ thống dữ liệu về kháng thuốc, dữ liệu về sử dụng kháng sinh trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong y tế và nông nghiệp; dữ liệu về tiêu thụ kháng sinh, từ đó có thể theo dõi, đánh giá và triển khai các bước can thiệp có hiệu quả nhất, từng bước kiểm soát tình hình kháng thuốc tại Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa đề xuất.
Thùy Khánh