Mối lương duyên đẹp với Việt Nam

(Người Chăn Nuôi) – “Mối duyên đưa tôi đến với C.P. Việt Nam và đất nước, con người Việt Nam là một mối duyên rất đẹp, tôi vô cùng trân trọng điều đó”, đó là chia sẻ hết sức chân thành của ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – “vị thuyền trưởng” tài ba đã chèo lái “con tàu C.P. Việt Nam” cập nhiều “bến thành công”.

Cơ duyên nào đã đưa ông đến Việt Nam và gắn bó với C.P. Việt Nam trong suốt những năm qua?

Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988, sau khi Việt Nam mở cửa năm 1986 theo chủ trương Đổi mới. Đến năm 1993, chính thức thành lập Công ty với tên gọi là Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam và đến nay chính là Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV).

Kể từ đó, tôi cũng đã bắt đầu đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp sinh sống và làm việc. Gần nửa cuộc đời gắn bó với CPV nói riêng và Việt Nam nói chung, tôi đã xem Công ty là ngôi nhà thứ 2, xem Việt Nam là quê hương thứ 2, anh chị em đồng nghiệp và người dân Việt Nam là người thân của tôi. Tôi cảm thấy may mắn và tự hào vì đã đồng hành cùng CPV từ những ngày đầu tiên, chứng kiến Công ty trải qua nhiều khó khăn, thách thức và thay đổi, để Công ty được phát triển lớn mạnh như ngày nay. Và càng hạnh phúc hơn nữa khi CPV có thể góp một phần vào việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nông nghiệp Việt Nam. 

Tôi nghĩ rằng, mối duyên đưa tôi đến với C.P. Việt Nam và đất nước, con người Việt Nam là một mối duyên rất đẹp, tôi vô cùng trân trọng điều đó!

Montri-Suwanposri

 

Trong hơn 30 năm qua, là “vị thuyền trưởng” chèo lái “con tàu C.P. Việt Nam, những thuận lợi và khó khăn mà ông đã phải đối mặt trong hành trình đó ra sao, thưa ông?

Mặc dù Tập đoàn CP đã có những thành tựu nhất định tại Thái Lan, nhưng khi bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào một đất nước khác là điều không hề dễ dàng. Hình mẫu, kỹ thuật, công nghệ…, chúng tôi có thể kế thừa từ công ty mẹ, nhưng còn rất nhiều vấn đề khác như văn hóa, con người, thị trường… đều cần được tìm hiểu, áp dụng một cách phù hợp và tinh tế để tạo nên sự hài hòa của 2 nền văn hóa Thái – Việt. Và tôi tin, đây không chỉ là khó khăn của riêng bản thân tôi, của riêng C.P. Việt Nam mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng vậy, mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh… đều có những phát sinh, những vấn đề không giống nhau, đó là điều không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Tuy nhiên, tôi rất may mắn vì đã có đội ngũ nhân lực vô cùng tuyệt vời. CPV hiện tại có hơn 30.000 nhân viên, trong đó hơn 99% nhên viïn laâ ngûúâi Việt Nam, ai ai cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, tài giỏi và tất cả chính là những người anh em, người thân của tôi trong đại gia đình CPV. Chúng tôi đã luôn đoàn kết, nỗ lực và cố gắng từng bước đưa CPV phát triển mỗi ngày một lớn mạnh hơn. Tại CPV, chúng tôi xây dựng Công ty bằng tình yêu thương để làm nền móng cho sự phát triển bền vững của một tổ chức. Đó cũng là lý do để CPV tồn tại trong suốt 30 năm qua và ngày càng có vị trí trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

 

Mới đây, Công ty TNHH CPV Food Bình Phước thuộc C.P. Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản, ông có thể chia sẻ thêm về thành công này?

Việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản lần này đánh dấu sự thành công của chuỗi liên kết sản xuất khép kín của Công ty TNHH CPV Food Bình Phước, bắt đầu hành trình đưa sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản và tiếp tục xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra, dự án chuỗi liên kết sản xuất khép kín thịt gà chế biến này kỳ vọng sẽ đóng góp cho giá trị kim ngạch xuất khẩu và mang đến việc làm cho hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Từ những ngày đầu lên kế hoạch cho dự án, chúng tôi đã xây dựng dựa trên giá trị “Ba lợi ích hướng đến sự bền vững: Cho đất nước, cho người dân và sau cùng là cho Công ty” trên tinh thần “Đền ơn Tổ quốc Việt Nam”. Chính vì thế, sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản thật sự là một niềm vui lớn của toàn thể nhân viên CPV Food Bình Phước nói riêng và C.P. Việt Nam nói chung, đặc biệt là sau giai đoạn vô cùng khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

 

Theo ông, cơ hội nào cho C.P. Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm thịt gà cũng như caác san phẩm chăn nuôi khác trong thời gian tới?

Xuất khẩu sản phẩm thịt gà nói riêng hay bất kể sản phẩm chăn nuôi nào đều cần phải trải qua cả một quá trình thiết lập quy trình vô cùng nghiêm ngặt, từ truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng đến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất theo đẳng cấp thế giới như môi trường và phúc lợi động vật… đáp ứng tất cả tiêu chí khắt khe của từng nước/khu vực mà chúng ta xuất khẩu. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam và tất nhiên là của cả C.P. Việt Nam.

Điều quan trọng là chúng ta cần xác định được mục tiêu và chuẩn bị thật kỹ để đạt được mục tiêu đó. Tôi tin rằng, cơ hội là do chính chúng ta tạo nên, chỉ cần cố gắng hết sức và kiên trì thực hiện bằng tất cả tâm huyết để tạo ra sản phẩm chất lượng thì cơ hội sẽ nằm trong tay của chúng ta, đúng không ạ?

nhà máy của C.P tại Bình Phước

Tổ hợp nhà máy của C.P tại Bình Phước là nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Tập đoàn.

 

Ông nhìn nhận như thế nào về những cơ hội và thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam trong năm 2023?

Ngành chăn nuôi vẫn luôn tiềm ẩn các rủi ro/tác động về chi phí sản xuất, thị trường biến động và các yếu tố dịch bệnh như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, Dịch tả heo châu Phi… Chính vì thế thách thức được đặt ra là làm thế nào có thể phát triển chăn nuôi một cách an toàn, đạt tiêu chuẩn và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đồng thời còn phải hướng đến nền chăn nuôi hữu cơ, sinh thái theo xu hướng “tiêu dùng xanh” của xã hội hiện đại.

Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới và chuyển mình để thích nghi với những khó khăn và thay đổi cần thiết. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và số lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, từ đó tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu ra thế giới.

 

Sống ở Việt Nam cũng đã khá lâu, ông đã từng đón Tết ở Việt Nam chưa và cảm giác của ông như thế nào với Tết Việt?

Sống gần nửa đời người tại Việt Nam, tôi sớm đã xem nơi đây là quê hương thứ 2 của mình, nên tất nhiên việc đón Tết ở Việt Nam chắc chắn đã quá quen thuộc với tôi. Tết Nguyên đán là những ngày tôi cảm nhận được rõ nhất sự ấm áp, hạnh phúc được lan tỏa khắp nơi trên đất nước của chúng ta, mọi người vui vẻ và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Từ rất lâu rồi, tôi đã không còn phân biệt Tết Việt Nam hay Tết Thái Lan nữa, đây đều là những ngày mà bản thân tôi và những người anh chị em đồng nghiệp C.P. Việt Nam mong đợi nhất năm. Cũng giống như mọi người, tôi tận hưởng những ngày nghỉ để thư giãn, gặp gỡ gia đình, bạn bè và thưởng thức những điều thú vị, đặc trưng của ngày Tết cổ truyền.

 

Nhân dịp đầu Xuân năm mới, ông có lời chúc gì muốn gửi gắm đến cộng đồng người chăn nuôi và bạn đọc của Tạp chí Người Chăn nuôi?

Chúng ta đang đón chào những ngày đầu tiên của năm mới – Xuân Quý Mão 2023, đây là thời điểm mà tất cả người dân Việt Nam đều đang cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và phấn khởi nhất. Chúng ta đã đi qua những tháng ngày vô cùng khó khăn và bây giờ mọi thứ đã dần trở lại quỹ đạo vốn có, tôi tin rằng, 2023 sẽ là một năm khởi đầu cho những điều tốt đẹp và thuận lợi nhất.

Nhân dịp Xuân mới, xin được kính chúc tất cả quý vị sức khỏe dồi dào, bình an, thịnh vượng và vạn sự như ý.

Và mong rằng, quý vị sẽ luôn dành tình cảm, đồng hành và ủng hộ C.P. Việt Nam!

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thắm

                (Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *