Mở rộng mô hình chăn nuôi lợn Lang Đông Khê thành hàng hóa

Từ lâu, giống lợn Lang Đông Khê (Thạch An, Cao Bằng) được nhiều người biết đến bởi khả năng kháng bệnh cùng chất lượng thịt thơm ngon. Vài năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi lợn Lang được bà con địa phương phát triển mạnh, góp phần bảo tồn nguồn gen giống lợn đặc sản, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập gia đình.

Lợn Lang Đông Khê có ngoại hình tròn, ngắn, lưng tương đối thẳng, chân nhỏ, đầu nhỏ, mặt thẳng, sống mũi thẳng và có vệt lông trắng dọc sống mũi, màu sắc lông da có vệt lang đen trắng. Lợn Lang Đông Khê có những ưu điểm mà các giống lợn nhập ngoại không thể có được, đó là khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chống chịu dịch bệnh tốt, chi phí chăn nuôi thấp, chắc thịt, mỡ giòn ngậy, không bị ngấy. Mặc dù giống lợn này có thời gian sinh trưởng dài và đẻ ít con, trọng lượng tối đa chỉ đạt khoảng 80 – 90 kg/con, song nhiều hộ nuôi vẫn cố gắng duy trì và phát triển đàn lợn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

lợn lang đông khê

Giống lợn Lang Đông Khê có khả năng thích nghi với môi trường, kháng bệnh tốt, chi phí chăn nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon.

Anh Lý Văn Báo, xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con (Thạch An) cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu nuôi lợn trắng nhưng khả năng phòng dịch kém, chi phí chăn nuôi cao. Nhận thấy giống lợn địa phương có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, thức ăn chăn nuôi chủ yếu tận dụng ngô, khoai, sắn, chuối có sẵn, từ năm 2018 tôi chuyển sang nuôi lợn Lang. Hiện gia đình nuôi 2 con lợn nái và 15 – 17 con lợn thịt mỗi lứa, thu nhập từ chăn nuôi lợn khoảng 35 – 40 triệu đồng/năm.

Là hộ nuôi nhiều lợn Lang nhất xã Trọng Con, chị Bế Thị Duyên, xóm Nà Lẹng cho biết: Lợn lai tăng trưởng nhanh, có thể nuôi 3 lứa/năm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các giống lợn lai bị thiệt hại nặng do dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ gia đình bỏ không chuồng nuôi, không thể tái đàn, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Trong khi đó, giống lợn Lang có sức đề kháng rất tốt, địa phương cũng tích cực tuyên truyền người dân gìn giữ, phát triển giống lợn bản địa nên gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng, tập trung nuôi lợn Lang Đông Khê.

Do có kinh nghiệm trong chăn nuôi và thực hiện tốt khâu chăm sóc, phòng dịch hiệu quả nên đàn lợn của gia đình chị Duyên luôn tăng trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, trong chuồng có 90 con, trong đó 12 con lợn nái, 1 con lợn đực giống, còn lại là lợn thịt và lợn con. Trung bình mỗi năm xuất ra thị trường trên 100 con lợn giống với giá 250 – 280 nghìn đồng/kg lợn giống. Ngoài ra, hằng tuần chị mổ 2 con lợn thịt mang đến Thành phố bán với giá 120 – 130 nghìn đồng/kg thịt, tổng thu nhập trung bình của gia đình hơn 300 triệu đồng/năm.

lợn lang đông khê

Mô hình chăn nuôi lợn Lang Đông Khê của gia đình chị Triệu Thị Lựu, xóm Nà Lẹng, xã Trọng Con (Thạch An).

Đặc biệt, ở thời điểm các hộ chăn nuôi lợn lai, lợn công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn của gia đình chị Duyên vẫn an toàn. “Gia đình tôi luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn như thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi. Nấu chín toàn bộ thức ăn cho lợn, không sử dụng thức ăn chăn thẳng cho lợn, không dùng nước rác thu gom từ nơi khác về chăn nuôi. Chú ý theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe của lợn theo từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, khi trời lạnh thì thắp bóng đèn, ủ ấm cho đàn lợn” – chị Duyên chia sẻ thêm.

Chủ tịch UBND xã Trọng Con Nông Ngọc Hoàng cho biết: Từ nhiều năm nay, xã Trọng Con phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi lợn Lang  để góp phần gìn giữ, bảo tồn giống lợn quý địa phương, tạo ra sản phẩm thịt có chất lượng, mang tính đặc sản. Việc phát triển mô hình lợn Lang Đông Khê làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, đồng thời cũng là cơ sở để chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, thịt lợn Lang Đông Khê có chất lượng đặc biệt thơm ngon, khác hẳn thịt lợn trắng, lợn lai. Nhu cầu thị trường khá lớn, giá bán cao, đây là lợi thế để địa phương phát triển chăn nuôi giống lợn này. Từ việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương gắn với đưa cây, con đặc sản vào sản xuất đã mở ra hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều bà con Thạch An xóa đói, giảm nghèo.

Với mục tiêu nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn nguồn gen giống lợn lang Đông Khê, tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, mang tính đặc sản, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, năm 2017, tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn lọc giống lợn Lang Đông Khê góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương”. Đề tài xây dựng 7 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và 7 mô hình chăn nuôi lợn con sau cai sữa và lợn thương phẩm đã được lai tạo; hoàn thiện 5 quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn Lang Đông Khê, gồm: quy trình chọn lọc lợn đực và cái làm giống; quy trình chăn nuôi lợn đực giống; quy trình chăn nuôi lợn nái sinh sản; quy trình chăn nuôi lợn con sau cai sữa; quy trình chăn nuôi lợn thương phẩm. 

Linh An

Nguồn: Báo Cao Bằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *