Những năm qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, các chính sách hỗ trợ lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, nông dân huyện Mường Chà (Điện Biên) đang đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Nhiều năm trước, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, bản Co Đứa, xã Na Sang gặp không ít khó khăn. Dù cố gắng làm ăn nhưng kinh tế cũng chẳng mấy khấm khá. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi ở địa phương, ông Hùng mạnh dạn huy động vốn từ người thân, gia đình, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về nuôi. Những năm đầu chưa nhiều kinh nghiệm nên gia súc kém phát triển. Nhưng được sự động viên, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, ông Hùng tìm mọi cách vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo. Sau nhiều năm nỗ lực, tới nay ông đã gây dựng được mô hình chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) theo hình thức trang trại với gần 50 con và dự định sẽ tăng đàn trong những năm tiếp theo.
Mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, bản Co Đứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà).
Ông Hùng chia sẻ: Trước kia gia đình cũng chỉ nuôi vài con gia súc để làm sức kéo; tuy nhiên được sự vận động của người thân và chính quyền xã, tôi quyết tâm phát triển kinh tế. Tới thời điểm này, mô hình chăn nuôi của gia đình tôi đã mang lại hiệu quả và cho thu nhập ổn định.
Những năm gần đây, chăn nuôi được xem là hướng đi quan trọng trong lộ trình xóa đói giảm nghèo của xã Pa Ham. Hiện nay, đàn vật nuôi của xã có gần 14.000 con, trong đó, hơn 3.000 con gia súc. Ông Màng Văn Nơm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã, chúng tôi luôn quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi, nhất là phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Đây là một trong những hướng đi phù hợp giúp xã từng bước ổn định, phát triển kinh tế bền vững.
Theo Chủ tịch UBND xã Pa Ham, để ngành chăn nuôi đi đúng hướng, hạn chế thấp nhất những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, hàng năm, chính quyền xã tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chăm sóc cũng như phòng bệnh cho vật nuôi đúng cách. Đặc biệt, bước vào mùa đông, hoặc mùa nắng nóng, xã chỉ đạo bà con dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi, nâng cấp, sửa chữa chuồng trại để bảo vệ đàn vật nuôi đúng cách, hiệu quả.
Xác định chăn nuôi là hướng đi quan trọng trong xóa đói giảm nghèo; những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đặc biệt quan tâm. Điều này càng được khẳng định khi năm 2016, huyện đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi bò theo nhóm tại bản Huổi Đáp, xã Pa Ham. Mô hình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của các nhóm hộ có cùng sở thích, với mỗi nhóm có 6 hộ tham gia. Để thành lập được mô hình này, các gia đình tự nguyện tham gia “Dự án nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, nhóm đã mua 5 con bò cái sinh sản về chăn nuôi; đến nay đàn bò đã phát triển lên gần trên 50 con.
Tương tự mô hình chăn nuôi bò theo nhóm tại xã Pa Ham, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai Dự án Mô hình nuôi bò cái sinh sản giống địa phương năm 2019 – 2020, thuộc nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Chương trình 30a tại bản Phi Hai, xã Sá Tổng. Ban đầu, dự án được triển khai từ tháng 7/2019 cho 28 hộ nghèo với nguồn kinh phí hơn 594 triệu đồng. Qua 18 tháng thực hiện, số bò khi kết thúc dự án là 24 con, tăng 10 con, số bò có chửa là 7 con. Tổng giá trị đàn bò tăng thêm so với ban đầu là hơn 80 triệu đồng. Thấy được hiệu quả của mô hình đến nay, nhiều nông dân các xã vùng cao trên địa bàn huyện cũng áp dụng mô hình nuôi bò theo nhóm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bà Lò Thị Bua, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Chà cho biết: Phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc hiện nay đang là một trong những chủ trương lớn của huyện. Do vậy, hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ về vốn, tư liệu sản xuất, hướng dẫn các kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, do đó, nhận thức của người dân về phát triển chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến. Hiện toàn huyện có gần 150 mô hình chăn nuôi đại gia súc vừa và nhỏ. Đây cũng sẽ là chìa khóa để người dân trên địa bàn xóa đói giảm nghèo trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Quang Long