Thất bại khi nuôi cua đinh, chị Lê Thị Minh Thư (26 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) gom hết vàng cưới đem bán để đầu tư nuôi rắn ri cá và thành công khi kiếm được thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.
Chị Thư cho biết, nếm trải nhiều lần thất bại với các mô hình chăn nuôi như gà, ba ba, cua đinh… Hết vốn, chị quyết tâm làm liều khi bán hết số vàng cưới còn lại để nuôi rắn ri cá từ năm 2017.
“Vốn đam mê chăn nuôi nhưng tôi sớm nếm trái đắng thất bại khi đầu tư nuôi 1.000 con cua đinh vì tin lời bao tiêu của một cơ sở ở miền Tây, nhưng nuôi rồi họ biệt tăm nên phải bán lỗ để gỡ gạc. Hết vốn, tôi dự tính đi làm công nhân ở Bình Dương. Nhưng tình cờ biết mô hình nuôi rắn ri cá, ri voi vừa ít tốn công chăm sóc, đầu ra lại dễ hơn nên tôi quyết bán vàng cưới đầu tư nuôi rắn”, chị Thư kể.
Tận dụng chuồng trại sẵn có từ nuôi cua đinh, chị Thư bỏ thêm tiền để sửa chữa lại và nhập rắn giống với chi phí hơn 60 triệu đồng về nuôi. Do còn thiếu kinh nghiệm, lại nhập số lượng rắn ri voi nhiều hơn rắn ri cá, sau thời gian nuôi do sức đề kháng của rắn ri voi yếu, chỉ trong vòng một tháng lượng rắn ri voi giống chết gần hết. Nhận thấy rắn ri cá có khả năng kháng bệnh tốt hơn nhiều lần rắn ri voi, chị quyết tâm chuyển sang nuôi mỗi loại rắn này. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật, rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, từ những cặp rắn bố mẹ ban đầu, giờ đây chị nhân đàn thành công hơn 2.000 cặp rắn bố mẹ.
Chị Thư thành công khi sở hữu 2.000 cặp rắn ri cá bố mẹ.
Chị Thư cho biết, rắn ri cá dễ nuôi, tỷ lệ sống cao gần 90%. Rắn có sức đề kháng mạnh, ít bệnh. Tuy nhiên, lúc thời tiết chuyển mùa rắn dễ bị sốc nhiệt dẫn đến ăn không tiêu. Khi đó, chỉ cần pha men tiêu hóa vào thức ăn và cho rắn ăn, bệnh sẽ khỏi sau một vài ngày. Về nguồn nước, có thể sử dụng nguồn nước ngầm hoặc nước sông để nuôi. Mật độ thả nuôi đối với rắn bố mẹ là 20 con/m2. Vì nuôi với mật độ thấp nên nước không cần phải thay thường xuyên, tiến hành khử trùng hồ nuôi khoảng 15 – 30 ngày/lần. Dung dịch khử trùng thường sử dụng là loại chuyên dùng cho cá tôm sử dụng với liều cao.
Rắn ri cá rất dễ chăm sóc, trung bình rắn nhỏ 3 – 4 ngày cho ăn một lần; rắn lớn 7 – 10 ngày cho ăn một lần. Thức ăn chủ yếu là cá tạp được phân loại ra cho vừa miệng rắn, không cần phải qua chế biến hay băm nhỏ. Với những đặc tính trên, rắn ri cá hiện tại đang được rất nhiều người chọn để nuôi kết hợp với những vật nuôi khác giúp tăng thêm thu nhập. Rắn trưởng thành bắt đầu sinh sản từ tháng thứ 18. Mùa sinh sản của rắn ri cá bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Vào thời điểm này không nên bắt rắn mẹ vì dễ bị sẩy thai. Mỗi lứa sinh sản từ 20 – 40 rắn con (tùy kích thước của rắn bố mẹ).
Hiện tại, giá rắn ri cá con trên 2 tháng có giá từ 45.000 – 120.000 đồng/con (tùy kích thước). Rắn thịt một năm tuổi đạt trọng lượng trên 1 kg có giá 400.000 – 450.000 đồng/kg. Mỗi năm trại rắn của chị Thư xuất bán ra thị trường từ 1 – 2 tấn rắn thịt và gần 15.000 con rắn giống. Nhờ đó, chị có thu nhập gần 800 triệu đồng/năm. Hiện chị Thư còn đang cung cấp giống và hỗ trợ đầu ra gần 300 hộ nuôi tại các tỉnh khu vực ÐBSCL.
Anh Nguyễn Văn Ðỉnh (40 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) cho biết, biết địa chỉ cung cấp rắn ri cá giống uy tín của trại chị Thư nên đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Thấy loại rắn này dễ nuôi, dễ cho ăn, nhẹ công chăm sóc, nên nhập khoảng 500 rắn giống về nuôi thử. Ông Dương Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) cho biết, hiện trên địa bàn xã có một số hộ nuôi rắn ri cá, bước đầu đạt hiệu quả cao. Việc giới thiệu hỗ trợ đầu ra cho những người nuôi rắn trong và ngoài địa phương của chị Thư đã tạo thêm việc làm, ổn định kinh tế cho người dân nông thôn.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Nguồn: Báo Cần Thơ