Mô hình lò ấp trứng giống gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho một số hộ dân tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).
Gia đình anh Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà, tham gia Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì từ năm 2015. Thực hiện mô hình, gia đình anh Bé đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng chuồng chăn nuôi vịt sinh sản với quy mô hơn 1.000 m²; đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ ấp nở như: máy ấp nở, máy nở, máy phát điện… Đồng thời, anh tham gia các lớp tập huấn về cách chăm sóc, nuôi dưỡng vịt bố mẹ để đẻ trứng; cách bảo quản, chọn, ấp trứng gia cầm để làm giống tại Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Đại xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội); học hỏi qua mạng Internet, các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo… Anh tiến hành nuôi vịt theo quy trình khép kín, nuôi vịt đẻ trứng và sử dụng chính quả trứng vịt của gia đình để ấp, giúp giảm tối đa chi phí các khâu.
Anh Bé cho biết: Để nuôi vịt sinh sản đạt hiệu quả cao, trước hết con giống phải tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không bị dịch bệnh. Vịt giống nuôi phải được chăm sóc kỹ thuật theo từng giai đoạn, duy trì khẩu phần ăn đủ chất, điều kiện chăm sóc tốt. Những ngày thời tiết thay đổi, khi giao mùa, cần bổ sung tăng đề kháng như B-complex, Vitamin C; khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cần cho uống nước điện giải Gluco và Vitamin C nếu không vịt dễ mắc bệnh và giảm đẻ; mùa đông trời lạnh cần tăng lượng thức ăn cho vịt. Bên cạnh đó, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm vắc xin định kỳ cho đàn vịt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu chăn nuôi, thực hiện vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Ao nuôi và sân chơi có diện tích đủ rộng để vịt có thể ra tắm, bơi và chạy nhảy, nước ao chăn thả vịt đảm bảo vệ sinh, định kỳ thay mới nước. Duy trì tỷ lệ trống mái phù hợp 1 trống với 4 – 5 mái.
Máy ấp trứng tự động đảo trứng và chỉnh nhiệt độ theo từng giai đoạn ấp nên tỷ lệ vịt con nở cao hơn.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, trang trại anh mở rộng hơn 3.000 m², nuôi 1.500 con vịt đẻ trứng, mỗi ngày thu 600 – 700 quả trứng. Quy mô 2 lò ấp trứng có công suất tối đa đạt hơn 10.000 quả trứng/mẻ/lò, 1 máy nở công suất 3.000 quả/mẻ. Thời gian chạy máy ấp 10 tháng/năm, máy tự động đảo trứng và chỉnh nhiệt độ theo từng giai đoạn ấp nên tỷ lệ vịt con nở cao hơn. Khoảng thời gian đầu năm và cuối năm, nhu cầu thị trường thấp, anh chỉ chạy một máy ấp trứng, từ tháng 3 – 8 nhu cầu tăng cao, anh cho chạy song song 2 máy ấp với công suất tối đa để kịp thời đáp ứng thị trường. Vịt con giống được ấp nở đạt chất lượng, trung bình 1 tháng anh bán trên 6.000 con giống. Tháng 3, 4 âm lịch hằng năm, trang trại tấp nập khách đến chọn mua con giống để nuôi bán rằm tháng Bảy. Trừ chi phí, bình quân gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thời gian tới, anh Bé tiếp tục cải tiến một số kỹ thuật, tìm thị trường lớn hơn góp phần xây dựng thương hiệu lò ấp trứng của gia đình được người chăn nuôi biết đến nhiều hơn.
Cũng giống như gia đình anh Bé, cơ sở ấp trứng gia cầm của anh Đàm Văn Cường, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà có nhiều khách đến chọn mua con giống. Trước đây, gia đình anh là hộ nuôi vịt đẻ trứng, bán trứng vịt được nhiều khách hàng ưa chuộng nhưng vì quy mô nhỏ nên số lượng trứng chỉ đủ phục vụ nhu cầu gia đình, bà con hàng xóm. Nhận thấy ấp trứng và bán con giống rất cần thiết, người dân mua gà, vịt con ở chợ sẽ không đảm bảo về chất lượng giống mà giá lại cao; việc mở một lò ấp sẽ có tính lâu dài và có thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, anh Cường mở rộng chuồng nuôi, xây bờ ao, đầu tư lò ấp hiện đại, nuôi vịt đẻ trứng và sử dụng chính quả trứng vịt của gia đình để ấp với số lượng trên 1.000 con. Trừ chi phí, bình quân anh thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp lò ấp là hướng đi hiệu quả, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn cung cấp sản phẩm từ trứng chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho thị trường; hạn chế con giống nhập lậu, không rõ nguồn gốc và kiểm soát được dịch bệnh trên gia cầm. Nhiều gia đình phát triển kinh tế ổn định nhờ những con giống do các lò ấp trên địa bàn cung cấp. Thành công từ mô hình mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Lam Giang
Nguồn: Báo Cao Bằng