Mô hình chăn nuôi bền vững

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát được dịch bệnh, phù hợp với phát triển chăn nuôi hiện đại. Bằng việc hạn chế sử dụng kháng sinh, tiết kiệm chi phí, mô hình giúp người nuôi thu được lợi nhuận, người tiêu dùng có được sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Hướng đi cần thiết

 Nhằm phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) hướng nông dân đến các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ. Từ đó, thường xuyên mở các lớp dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ứng dụng tại nông hộ. Cách làm này đã giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí, nhẹ công chăm sóc, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đầu tháng 3/2023, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên bắt đầu triển khai mô hình “Nuôi gà trên đệm lót sinh học” và “Nuôi thỏ an toàn sinh học kết hợp với thức ăn viên”. Phó trưởng Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên Đoàn Thị Ngọc Nga cho biết, mô hình nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học đã được triển khai từ năm 2016, nhiều nông dân ở các phường, xã đã học tập. Khi tham gia, nông dân được hỗ trợ kinh phí con giống, thức ăn; kỹ thuật viên còn theo dõi, hướng dẫn trong suốt quá trình nuôi. Nhờ vậy, chỉ sau khóa tập huấn, nông dân đã triển khai thực hiện rất hiệu quả với quy mô nông hộ, phần nào thay đổi so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.

Mới đây, qua khảo sát thực tế trên địa bàn phường Mỹ Thới có nhiều hộ chăn nuôi gà thịt, nhưng chỉ theo hướng thả lan, hoặc nuôi nhốt nhưng không kiểm soát nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Do vậy, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hướng dẫn xây dựng, xử lý chuồng trại, làm đệm lót sinh học trước khi tiến hành nuôi. Đây sẽ là mô hình điểm được triển khai tại nông hộ đáp ứng đủ yêu cầu chăn nuôi, sau đó sẽ tổ chức hội thảo nhân rộng.

chăn nuôi bền vững

chăn nuôi bền vững

​Chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học giúp đàn gà của anh Nghĩa tránh được hao hụt, cho hiệu quả kinh tế ổn định

 “Chuồng trại phải đủ diện tích, có khoảng sân cho gà di chuyển và có độ che phủ từ cây cối hoặc lưới lan. Ban đêm cho vào chuồng để kiểm soát số lượng, quan sát tình trạng gà mỗi ngày để kịp thời xử lý khi gà ăn ít, mắc bệnh. Khi nông dân đảm bảo các yêu cầu đó, trạm sẽ hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc suốt quá trình nuôi” – bà Nga thông tin.

Lớp đệm lót trong chuồng được phối trộn từ trấu, cát và men nên xử lý được hoàn toàn mùi phân gà thải ra trong quá trình nuôi. Lượng phân gà thu được có thể lấy làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Khi gà còn nhỏ, sử dụng thức ăn viên; tháng tiếp theo, sẽ được phối trộn từ bắp, lúa theo tỷ lệ phù hợp và được ủ chín bằng men giúp gà hấp thụ hết dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Theo bà Nga, nếu cho ăn bắp, lúa tươi, không qua ủ chín, hầu như gà chỉ hấp thụ được một phần dưỡng chất, đó còn chưa kể dễ gặp các vấn đề tiêu hóa. Thông thường chỉ sau 3,5 – 4 tháng, gà đã đủ trọng lượng xuất bán. Nhờ môi trường chăn nuôi tốt, thức ăn được xử lý ủ trước nên suốt quá trình nuôi, gà rất ít bệnh, không sử dụng kháng sinh, ít hao hụt.

 

Áp dụng hiệu quả

Năm 2016, sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi tại địa phương, anh Đào Hữu Nghĩa (ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) áp dụng ngay ở quy mô nông hộ. Tận dụng diện tích đất sau nhà, anh Nghĩa làm chuồng nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học trong suốt quá trình chăn nuôi, hiệu quả ngay từ đợt đầu tiên. Thấy được hiệu quả từ thực tế, anh Nghĩa tiếp tục quay vòng nuôi, lựa gà bố mẹ cho phối giống nuôi tiếp theo.

Ngoài sử dụng được men ủ cho đệm lót, anh Nghĩa còn tận dụng nguồn phân bò tại chỗ để nuôi trùn quế. Từ nguồn trùn quế thu được, anh Nghĩa làm thức ăn cho gà, bổ sung dinh dưỡng giúp gà lớn nhanh, hạn chế một số loại bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Tuy diện tích ít, nhưng anh Nghĩa thiết kế chuồng trại rất khoa học, có lồng ấp trứng, chuồng cho gà con, gà lứa và gà trưởng thành. Ngoài ra, khoảng sân trống có lưới rào để gà có sân chơi, di chuyển ban ngày. Nhờ vậy, chất lượng thịt gà từ trại của anh Nghĩa rất săn chắc, được thương lái đánh giá cao.

Thời gian qua, anh Nghĩa kết nối với Nông trại Ếch Ộp (TP. Long Xuyên) để cung cấp gà thịt ổn định hàng tuần. Nhờ tái đàn liên tục, nên sản lượng rất đều đặn, mang lại thu nhập ổn định. “Tôi nuôi gà mấy năm nay, hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt. Mấy đợt dịch bệnh trên gà, ảnh hưởng đến những hộ chăn nuôi ở trong xóm nhưng đàn gà của tôi vẫn ổn. Ngoài cho gà ăn trùn quế tươi, tôi còn xay thịt trùn quế ngâm rượu. Những lúc thời tiết thay đổi, tôi cho ăn thêm vào, mục đích kích thích tiêu hóa, làm ấm cơ thể. Nhờ vậy mà đàn gà khỏe, chắc thịt, đến khi xuất chuồng đạt trọng lượng từ 2,5 – 3,2kg/con” – anh Nghĩa chia sẻ.

Sau khoảng 1 – 2 đợt nuôi, anh Nghĩa tiến hành thay đệm lót mới, lượng trấu, cát, phân gà còn được tận dụng vô bao trồng gừng. Tạo ra một mô hình tuần hoàn, tận dụng được toàn bộ phụ phẩm trong chăn nuôi, không ảnh hưởng môi trường xung quanh. Mô hình nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học rất phù hợp với những gia đình muốn kiếm thêm thu nhập, vừa trồng trọt, kết hợp chăn nuôi hiệu quả…

Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên tiếp tục phát triển mô hình theo hướng bền vững, lâu dài khi liên kết nông dân nuôi gà, chọn lựa giống gà phù hợp nhu cầu thị trường và kết nối đầu ra. Qua đó, giúp nông dân thu được lợi nhuận kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng và phát triển mô hình.

Ánh Nguyên

Nguồn: Báo An Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *