(Người Chăn Nuôi) – Phối trộn thức ăn là biện pháp đơn giản, nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có, giảm chi phí, tăng năng suất. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần tuân thủ theo các nguyên tắc trong quá trình thực hiện.
Nguyên tắc
Khi phối trộn thức ăn tinh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như sau:
– Nguyên liệu thức ăn cần đảm bảo dinh dưỡng, độ ẩm < 14%, tạp chất < 1%; Hàm lượng độc tố, vi sinh vật gây hại, kim loại nặng… trong mức cho phép theo quy định. Các hạt cây họ đậu phải rang chín.
– Hỗn hợp thức ăn phải đảm bảo đủ nhu cầu về năng lượng và protein, có tỷ lệ cân đối giữa protein động vật và thực vật; đủ khoáng và vitamin; Phù hợp với đối tượng và lứa tuổi vật nuôi.
– Nếu là thức ăn hạt, viên thì kích cỡ phải phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi vật nuôi.
– Khi phối trộn, các nguyên liệu thức ăn phải có kích cỡ phù hợp. Có thể dùng máy trộn, hoặc trộn thủ công (bằng xẻng, tay). Cách trộn thủ công: Dùng bạt trải trên sàn, đổ nguyên liệu nhiều trước, dàn đều, tiếp đến các nguyên liệu khối lượng nhỏ hơn; Đối với các nguyên liệu khối lượng quá nhỏ như khoáng, vitamin thì trộn thêm với một lượng nguyên liệu nhiều sau đó dàn đều trên đống thức ăn, trộn lần lượt, nhiều lần đảm bảo đều.
– Khối lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) phải phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh giảm chất lượng thức ăn do phải bảo quản lâu. Thông thường, TĂCN cho vật nuôi cần đảm bảo ăn trong 7 – 10 ngày tùy điều kiện thời tiết.
– Đối với các phụ phẩm như bã bia, bã đậu, bã sắn… nên trộn vào thức ăn tinh trước khi cho vật nuôi ăn.
Sử dụng
Trước khi cho vật nuôi ăn phải kiểm tra sức khỏe vật nuôi, thức ăn thừa trong máng, kiểm tra chất lượng thức ăn bằng cảm quan về màu sắc, mùi vị và nấm mốc.
Số lượng thức ăn, số lần cho ăn trong ngày phù hợp đối tượng, lứa tuổi và thể trạng vật nuôi.
Khi thay đổi thức ăn cần chuyển dần trong vài ngày, không nên chuyển đột ngột sẽ làm cho vật nuôi kém ăn và rối loạn tiêu hóa.
Để tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, có thể bổ sung chế phẩm sinh học vào TĂCN, liều lượng, cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bảo quản
Thức ăn/nguyên liệu TĂCN phải được bảo quản nơi khô ráo, có giá kê đảm bảo cách mặt đất, cách tường ít nhất 20 cm, không đặt trực tiếp thức ăn xuống nền.
Kho chứa thức ăn phải sạch sẽ, khô, mát, tránh bị mưa hắt hay nắng chiếu trực tiếp, phòng chống chuột cắn phá. Không để TĂCN gần hóa chất độc hại, xăng dầu… Ðịnh kỳ vệ sinh kho, dọn dẹp thức ăn rơi vãi trong kho, diệt chuột và các côn trùng gây hại khác.
Quản lý
Cần phải ghi chép sổ sách đầy đủ, chính xác các thông tin như: nhập, sử dụng nguyên liệu, phối trộn, sử dụng TĂCN, bổ sung thuốc, vitamin, chế phẩm sinh học vào thức ăn để phòng, trị bệnh cho vật nuôi (thời gian, số lượng…) giúp cho việc kiểm soát, quản lý thức ăn và hạch toán kinh tế.
Diệu Châu