(Người Chăn Nuôi) – Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân đánh giá, đại dịch COVID-19 khiến ngành trứng lao đao, thị trường có lúc rất “hot”, nhưng có lúc lại không bán được. Tìm giải pháp để ngành trứng phát triển bền vững tuy không mới nhưng vẫn đáng được quan tâm.
Tiềm năng lớn
So với những ngành chăn nuôi khác, ngành trứng gia cầm thời gian qua đã duy trì đà tăng trưởng. Trung bình tốc độ tăng trưởng về chỉ tiêu sản lượng trứng trong 10 năm từ 2011 – 2020 là 9,33%, mức tăng cao nhất trong toàn bộ các loại sản phẩm sản xuất của ngành chăn nuôi. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã sản xuất được 12 tỷ quả trứng.
Ðầu năm 2020, dịch COVID-19 xảy ra, làm sụt giảm nhu cầu đối với trứng gia cầm, làm giá của mặt hàng này ở mức thấp, có lúc thua lỗ đến tận năm 2021. Nhiều trang trại nhỏ và người chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải giảm đàn… Tuy nhiên, năm 2021, trong giai đoạn tại 2 đô thị lớn của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội giãn cách do dịch bệnh COVID-19, trứng gia cầm là mặt hàng duy nhất của sản phẩm chăn nuôi tăng giá. Ðiều này đã khẳng định trứng gia cầm có những lợi ích nhất định trong việc bảo quản, dự trữ, vận chuyển, cũng như giá thành hợp lý với người tiêu dùng. Nhưng nếu so với các nước trên thế giới thì mức tiêu thụ trứng ở nước ta vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 149 quả/người/năm (năm 2020). Trong khi đó, tiêu thụ trứng bình quân của thế giới khoảng 210 – 220 quả/người/năm.
Ngành trứng còn nhiều dư địa để phát triển – Ảnh: Cafef
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) nhận định: Trong những năm gần đây, sản lượng trứng sản xuất hằng năm không ngừng gia tăng. Tiềm năng phát triển của ngành trứng Việt Nam rất rộng mở, còn nhiều dư địa để phát triển.
Thách thức không nhỏ
Trước đây, thị trường trứng gia cầm còn chưa được quan tâm, nguồn cung chủ yếu từ các trại chăn nuôi nông hộ. Quy mô sản lượng lớn nhất lúc đó chỉ có nguồn trứng của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Nhưng chỉ sau vài năm, hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ tiền đầu tư rất lớn cho sản phẩm trứng.
Hiện, trên thị trường trứng có nhiều thương hiệu như: C.P., Ba Huân, Vĩnh Thành Ðạt, Dabaco, Hòa Phát… Công ty TNHH QL Việt Nam với vốn đầu tư 100% từ Malaysia đang dẫn đầu về quy mô sản xuất ở thời điểm hiện tại. Tại Việt Nam, với hơn 400 tỷ đồng, QL đã đầu tư 2 trang trại chăn nuôi gà kỹ thuật cao trên diện tích hàng chục ha tại Tây Ninh. Hiện nay, tổng sản lượng của cả 2 trang trại QL đã vượt mốc 1.000.000 quả trứng/ngày. Hay Công ty CP Mebi Farm cũng đã khởi công dự án khu chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao Mebi Farm tại thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, Bình Thuận với tổng diện tích hơn 70 ha gồm các khu trang trại, khu sơ chế, khu phân loại, khu đóng gói trứng, khu xử lý… Khu trang trại nuôi này khi đi vào hoạt động sẽ có số lượng tổng đàn lớn nhất tỉnh Bình Thuận với 1,2 triệu con gà đẻ trứng và 600.000 con gà hậu bị. Hệ thống chuồng gà được ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản, vận hành hoàn toàn tự động, có kết nối đồng bộ với hệ thống công năng khác tạo nên chuỗi chăn nuôi và sản xuất theo quy trình khép kín.
Tuy nhiên, chính việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt này đã dẫn đến giá trứng gần như “dậm chân tại chỗ” trong 10 năm qua. Ðại diện một doanh nghiệp thuộc chương trình Bình ổn giá của TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trong vòng 10 năm qua, giá đầu vào nguyên liệu hầu hết đều tăng mạnh, giá nhân công cũng tăng nhưng giá trứng gà hầu như không hề biến động”.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Ðạt chia sẻ: “Thói quen tiêu dùng trứng của người tiêu dùng ngày càng khó tính, trong đó tiêu chí đầu tiên là xem hạn sử dụng. Do đó để giữ chân khách hàng, công ty chúng tôi phải thay trứng mới mỗi ngày tại các hệ thống bán lẻ. Nói thì đơn giản chứ việc cung ứng và thu hồi trứng mỗi ngày tại hàng ngàn điểm bán không hề dễ dàng, đòi hỏi mạng lưới nhân sự vận chuyển phải hoạt động liên tục. Thật sự cuộc cạnh tranh ở mảng trứng gà khiến các đối thủ mệt mỏi vì giá trị lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nguyên liệu tăng, khó khăn càng chồng chất hơn nữa”.
Cuộc đua giữ thị phần ngày càng khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực trứng phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư chế biến sâu để bảo quản sản phẩm lâu hơn và gia tăng giá trị. Tuy nhiên năng lực cung ứng từ các doanh nghiệp lớn mới chỉ chiếm thị phần nhất định, nhu cầu còn lại vẫn do các trang trại nông hộ đảm trách. Sức ép về giá bán của các “ông lớn” khiến nhiều trại chăn nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ vỡ nợ, ngừng hoạt động vì tình hình dịch bệnh kéo dài khiến tiêu thụ giảm.
Vì vậy, để ngành trứng phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới Bộ NN&PTNT cần có những định hướng rõ nét theo hướng sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
“Chúng tôi không cần Chính phủ, Nhà nước cho tiền, mà chúng tôi cần cơ chế, nhất là trong hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá cho quả trứng trong nước có vị trí đúng với vai trò của sản phẩm quan trọng này”.
Bà Phạm Thị Huân
Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân
Anh Vũ