Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, từ đầu năm 2024 đến nay, đã triển khai tiêm phòng hơn 3,2 triệu liều vắc-xin các loại trên đàn vật nuôi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng hơn 3,2 triệu liều vắc-xin các loại trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, đã tiêm 116.969 liều vắc-xin lở mồm long móng trên gia súc (trâu bò: 79.648 liều, heo: 36.609 liều; dê 712 liều); 12.390 liều vắc-xin heo tai xanh; 102.901 liều vắc-xin dại; 82.809 liều vắc-xin viêm da nổi cục; 2.832.038 liều vắc-xin cúm gia cầm; 67.010 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò.
Người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi
Ngoài ra, đã sử dụng 5.403 lít thuốc sát trùng để vệ sinh tiêu độc, khử trùng các khu vực chăn nuôi và điểm xảy ra dịch bệnh.
Để tiêm phòng các loại vắc-xin an toàn, hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: “Người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm đúng định kỳ, liều lượng; đồng thời, cần tăng cường chăm sóc, theo dõi đàn vật nuôi sau tiêm phòng để hạn chế trường hợp phản ứng sau tiêm. Theo đó, sau tiêm phòng, người chăn nuôi cần để con vật nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp, sau khi tiêm vắc-xin vật nuôi có thể bị các phản ứng như sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẫn trên da,… nếu phản ứng nhẹ thì sau một thời gian ngắn sẽ tự khỏi, còn nếu bị phản ứng nặng, kéo dài có thể sẽ gây nguy hiểm cho vật nuôi, trong trường hợp này cần báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời can thiệp”.
Có thể khẳng định, việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi hiện là một trong những biện pháp chủ động, hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao, ngoài sự chỉ đạo từ ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, sự nỗ lực từ phía lực lượng thú y thì các hộ chăn nuôi cũng phải tự giác, chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi theo quy định./.
Minh Tuệ
Nguồn: Báo Long An